Sunday, March 12, 2017

HỒN MA ĐẠM TIÊN TRONG TRUYỆN KIỀU



Qua Nhạc Kịch Minh Hoạ Kiều của cố nhạc sĩ Phạm Duy

HỒ LINH

Đạm Tiên là khuôn mặt phụ nữ đẹp thứ ba trong Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều của Nguyễn Du, sau Thuý Kiều và Thuý Vân. Chỉ tiếc một điều, tác giả kể chuyện nàng khi đã ra người thiên cổ!
 
Thời tuổi trẻ còn ở quê ngoài Bắc (trước 1954 di cư vào Nam), tôi đã từng thấy những ngôi mộ hoang tương tự mộ của Đạm Tiên. Tôi nghĩ có lẽ là của những người chết đói thời năm “Dậu” 1945, nằm bên vệ đường quê giữa đồng ruộng xanh tươi và con sông Vân nước lẫn phù sa đỏ ngầu, vào những buổi chiều tà, nắng quái còn đỏ rực góc trời phía tây trường sơn.
Lên Đệ Tứ trung học, tôi bắt đầu làm quen với tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Tới đoạn Vương Quan kể chuyện nàng Đạm Tiên, tự nhiên tôi thấy rất yêu nhân vật này qua những giòng thơ chải chuốt và rất tinh tế của tác giả, và nhất là lại nhớ miền quê xưa, khi đọc hai câu thơ tả ngôi mộ của Đạm Tiên:
   
      “Sè sè nấm đất bên đường,
      Dầu dầu ngọn cỏ vửa vàng, nửa xanh”.
   
Cách đây gần hai mươi năm, quý anh trong Hội Thân Hữu Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt có mời đi nghe nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu tác phẩm nhạc kịch Minh Hoạ Kiều.
Đọc chương trình, tôi thấy có phần diễn chính về Đạm Tiên, nhân vật tôi thích. Buổi đó là một chiều Thứ bảy, tôi đã có mặt tại quán COFEE LOVER trên đường Capitol, San Jose để có dịp thưởng thức vở Đại Nhạc Kịch này. Giờ đây, cụ nhạc sĩ đã tiêu diêu miền cực lạc nên chẳng biết tác phẩm Nhạc Kịch này đã hoàn tất chưa, có hay hơn những gì tôi đã được nghe và tới khi nào mới thực sự được trình diễn?
Chỉ có âm thanh, mặc dù do các nghệ sĩ nổi tiếng ngâm, hát, quả thực không thể nói là một tác phẩm Nhạc Kịch được, (nghe qua CD),  tuy nhạc sĩ Phạm Duy có dẫn giải về kỹ thuật đưa nhạc vào kịch bản, nó vẫn thiếu một đạo diễn và cảnh vật trên “sân khấu”. Nói đúng ra, chỉ là những đoạn phổ nhạc thơ của Nguyễn Du cùng những âm thanh vay mượn của các loại đàn, tân cũng như cổ, và nhất là những tiếng động “như ma cười quỉ khóc” tạo nên bởi các dụng cụ điện tử phát âm. Vì thế, những lớp nhạc kịch sau đây, người viết mạo muội thêm thắt chút đỉnh đỡ được phần nào hụt hẫng. (những chữ nghiêng)

Tôi xin bỏ đoạn đầu, mà chi đi ngay vào phần kịch diễn về Đạm Tiên.
     
    1/ Sau buổi hội Đạp Thanh, chiều xuống, mọi người ra về.
Cảnh buổi chiều, mặt trời mới ngả về tây. Nhưng vùng tha ma mộ địa chìm trong khói hương mịt mờ, tro tiền vàng vừa đốt quyện bay dưới chân đi. Những nhóm người lầm lũi bước dọc theo con đường có con suối nho nhỏ lượn ngay bên…
Nhạc trở nên trữ tình, lãng mạn, tiếng hát như điệu ru em, được đệm bằng đàn tỳ bà chậm, u uất, tiếng tam thập lục réo lên những cung “ai” bi thảm, giọng ngâm kể chuyện của Ái Vân:
    
     Ngổn ngang gò đống kéo lên (1)
     Thoi vàng-vó rắc tro tiền giấy bay 
   
Tiếng cồng âm u, vang lên...rồi tắt lịm, theo sau là một loạt âm thanh rào rạt như gió cuốn, mây trôi của tiếng vuốt trên dây đàn ghi ta...

Tiếp đến một đoạn phổ theo tân nhạc với nhạc cụ tây phương, nhất là violon và sáo, giọng ca êm ái của Thái Hiền tả cảnh chiều:
    
     Tà tà bóng ngả về tây
     Chị em thơ thẩn dan tay ra về
     Bước lần theo ngọn tiểu khê
     Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
     Nao nao giòng nước uấn quanh
     Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
   
Nếu được dàn dựng, cảnh này thực là đẹp, với một buổi chiều, nắng còn đổ trên đường đi. Mọi người đã qua vùng tha ma mộ địa.  Bóng hai nàng Thuý Kiều, Thuý Vân thấp thoáng gần tới bên cây cầu bác qua dòng suối réo rắt, có bóng liễu rủ thướt tha.

2/ Kiều gặp mộ Đạm Tiên:
Một nấm đất nhỏ, nhô lên mé đường đi, bên sông lau lách tĩnh mịch… Trên mộ cỏ xanh lẫn cỏ vàng xơ xác mấy cụm, không hương, không khói, cũng chẳng một nhánh hoa là những gì phải có trên một nấm mộ vào ngày hội này.
    
 Bỗng tiếng trống âm u từ đâu vọng lại, giọng ngâm cổ của Thanh Ngoan, theo thể hát nói với những âm thanh rung động, được đệm bằng đàn đáy, tiếng phách dồn khổ đổ rền, khiến cảnh vật  càng thêm thê lương (mướn cô Thanh Ngoan mãi ở VN, chỉ để ngâm 2 câu này! có cần thiết không?):
    
      “Sè sè nắm đất bên đường
       Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...”
   
Lúc đó, cảnh trí bỗng như có mây che hết ánh mặt trời.  Một mầu xám u tối, mấy cụm liễu rủ bên suối, thoáng một vài ngọn gió thổi qua khiến mấy nhánh liễu rủ đong đưa, nhờ đó không gian bớt hiu quạnh.
Vương Quan đã đi một nửa cầu, quay lại,  thấy  Kiều đang đứng, bịn rịn bên cạnh mả Đạm Tiên, nên mới lên tiếng nói về nàng ấy.
Lúc này, âm thanh đã trở lại rộn rã bằng những nét tân nhạc, với giọng ca của Duy Quang:
     
      Vương Quan mới dẫn gần xa
      Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
      Nổi danh tài sắc một thì
      Xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh.
      Kiếp hồng nhan có mong manh
      Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương...
   
 Ở đây, chúng ta gặp từ “nửa chừng Xuân” mà Khái Hưng đặt tên cho một tác phẩm hay nhất của ông.  Âm vang dồn dập của nhạc tây phương, kèm thêm tiếng đàn đáy nổi bật nét cổ đông phương.
  
     3/ Khách phương xa tới, nhưng người đẹp đâu còn nữa!
    Tiếng hát Tuấn Ngọc đổi sang Minor:
     
      Có người khách ở viễn phương
      Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
      Thuyền tình vừa ghé đến nơi
      Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ
      Buồng không tạnh vắng như tờ
      Dấu xe ngựa đã rêu mờ mờ xanh.

 Tôi rất thích mấy câu cảnh tả nhà Đạm Tiên này. Chỉ  hơi ngỡ ngàng khi nghe nó được phổ nhạc tây phương lại do một anh chàng chuyên hát nhạc ngoại quốc trình bầy. Nếu nó được diễn tả bằng một giọng ngâm “Kiều” (do bà Hồ Điệp, hay bà Bích Thuận ) có lẽ hợp hơn.
Hai câu đầu, tác giả dùng hai chữ “tìm chơi” thực là phũ phàng đến tội nghiệp!. Khách từ nơi xa tới, không phải vì tình bạn, hoặc đến thăm một người nổi tiếng (“đến thăm”, “lại chơi”),  mà chỉ muốn “tìm” tới để “chơi”…Thế mà Nguyễn Du cũng dùng hai câu thực thảm thiết, tiếc cho khách phương xa không được gặp người mình ngưỡng mộ, hay hơn cả hai câu thơ của Thôi Hộ.
  
    “Buồng không tạnh vắng như tờ,
      Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh”
  
    Thơ của Thôi Hộ:
    “Nhân diện bất tri hà xứ khứ
      Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
      (Năm nay trở lại, người đâu tá?
      Hoa thắm nụ cười gió lướt mau)
   
    Lời ca hơi đổi đi cho hợp với giòng nhạc.
    Giọng nữ ảo não của Ái Vân:
     
      Trải qua thỏ lặn ác tà
      Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!
    
Sau lời ca, có tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào... kéo dài trong không gian. Nếu được đưa lên sân khấu cảnh vắng vẻ giữa buổi chiều hôm văng vẳng tiếng nhạc buồn này thì thực cảm động.

4/  Kiều khóc Đạm Tiên:
Nhạc trở nên chua xót, đau thương với những cung minor , tiếng chuông vọng lại từ xa, dào dạt âm vang của nhạc hòa tấu Tây phương:
    Giọng nữ Thái Hiền:
    
      Lòng đâu sẵn mối thương tâm
      Thoát nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
   
Đến đây, lời ca quá dài nên “melody” không thoát được nhạc điệu sẵn có của thơ lục bát:
     
      Đau đớn thay phận đàn bà
      Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
      Phũ phàng chi bấy hóa công
      Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
      Sống làm vợ khắp người ta
      Khéo thay! thác xuống làm ma không chồng!
      Nào người phượng chạ loan chung
      Nào người tiếc lục tham hồng là ai?
      Đã không kẻ đoái người hoài,
      Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương
   
Kiều lấy mấy thẻ hương trong túi xách, bật hồng đốt lên vái trước mộ, rồi cắm xuống.
Đổi sang giọng nam của Tuấn Ngọc để làm nổi bật mối hệ lụy giữa Kiều và Đạm Tiên:
    
      Gọi là gặp gỡ giữa đường
      Họa là người dưới suối vàng biết cho
    
Lời ca chấm dứt, âm thanh còn vang lên tiếng chiêng nhỏ, tiếng mõ đều đều buồn bã. Tôi nghĩ, nên để Ái Vân “ngâm” nốt hai câu này, đưa giọng hát của Tuấn Ngọc vào nghe thực lạc lõng!

5/ Kiều đề thơ lần thứ nhất:
Màn này hơi khó để có một thân cây lớn đủ cho Kiều đề thơ. Sân khấu vẫn giữ góc cạnh cây cầu nhỏ bắc qua con suối có liễu rủ đìu hiu. Đã chiều hôm, ráng trời dìu dịu, bớt gay gắt, chỉ còn những tia nắng nhạt, xuyên khoai.
Ở đây, nhạc sĩ chơi nhạc hòa tấu Tây phương, dùng để diễn tả nỗi u hoài, xa vắng làm tựa cho cảnh Kiều đề thơ...
    Giọng Thái Thảo:
     
      Một vùng cỏ áy bóng tà
      Gió hiu hiu thổi một và bông lau
      Rút trâm sẵn giắt mái đầu
      Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
   
    Tiếng hát kể chuyện của cô:
     Thơ rằng:
     “Hồng nhan lắm đa truân
      Tài Hoa mà mệnh bạc
      Suối vàng sương dẫm nát
      Mây bạc vẫn còn vương”
    (Thơ của Phạm Duy thay Kiều, chỉ có 4 câu, 2 vần thôi)

    Đến đây, nhạc theo lối hát Trống quân diễn tả lời can gián của Thúy Vân:
     
      Vân rằng: “Chị cũng nực cười
      Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”
  
Đổi giọng nữ khác:
   
      Rằng: “Hồng nhan tự ngàn xưa
      Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
      Nổi niềm tưởng đến mà đau
      Thấy người nằm đó biết sau thế nào”
   
Rồi tiếng hát của Duy Quang thay lời Vương Quan, (giục hai chị về thôi không chiều hôm tới rồi),  theo thể tân nhạc như lấp liếm câu chuyện thì thầm giữa hai Kiều:
     
      Quan rằng: “Chị nói hay sao
      Một lời là một vận vào khó nghe
      Ở đây âm khí nặng nề
      Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa...” 

Nhạc trở nên êm dịu...với mấy tiếng đàn bầu buông lơi. Chiều tà bỗng ngả mầu âm u.

6/ Đạm Tiên hiện hình: nòi tình Kiều gặp nòi tình Đạm Tiên.
   
Âm thanh bỗng trở nên siêu thực (từ của Phạm Duy), theo loại nhạc liêu trai với những tiếng u...u...vang vọng. Ở đây nhạc nhờ kỹ thuật của computer tạo nên những âm thanh gây ấn tượng sợ hãi bằng những nhạc cụ Tây phương.
    Giọng nữ, Thái Hiền như tiếng Kiều thì thầm:
     
      Kiều rằng: “Những đấng tài hoa
      Thác là thể phách, hồn là tinh anh
      Dễ hay tình lại gặp tình
      Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ..”.

Ngay lúc đó, một làn gió từ xa, cuốn theo bụi bay chuyển dần tới chỗ chị em Thuý Kiều…thấp thoáng bóng Đạm Tiên lướt qua trước mặt hai chị em…rồi lại đãng lãng lìa xa…hình ảnh dấu giầy của Đạm Tiên thiết nghĩ không cần chi tiết vì khán giả ở xa chẳng nhìn ra. (nếu quay Video thì lại khác).
Tiếng khánh rung như tiếng nhạc đeo nơi cổ chân người đẹp, tiếng sột soạt của tà áo bay trước gió, tạo thành những âm thanh uấn lượn, rùng rợn (thường thấy trong những phim ma).
    Tiếng hát giọng trầm của Tuấn Ngọc:
     
      Một lời nói chửa kịp thưa
      Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay
      Ào ào đổ lộc rung cây
      Ở trong dường có hương bay ít nhiều
      Dè chừng ngọn gió lần theo
      Dấu giầy từng bước in rêu rành ràng.
   
Tiếng ngân xa dần xa dần kèm theo tiếng đàn violon tạo nên tiếng gió ào ào, rên xiết...âm u, tiếng trống chầm chậm từng tiếng như đếm bước chân của Đạm Tiên. Đây có lẽ là đoạn diễn tả hiện thực nhất của phần đầu. Nếu được đưa lên sân khấu thì thực là một cảnh ma quái, rùng rợn, ánh đèn mờ đi, xanh ngắt, thấp thoáng bóng trắng đi như lướt trên ngọn cỏ... với những âm thanh nổi da gà. Đèn tắt!

7/ Kiều đề thơ lần thứ hai.
    Đèn sáng trở lại.
Hình bóng Đạm Tiên mất hút, Trời sáng lên,  cảnh vật rõ dần. Vẻ hoảng hốt của Thuý Vân và Vương Quan thấy rõ. Trái lại Kiều thì thành tâm khấn vái trước mộ.
     Nhạc theo điệu kể chuyện với tiếng ca trong trẻo của Ái Vân:
     
      Mặt nhìn ai nấy đều kinh
      Nàng rằng: “Này thực tinh thành chẳng xa
      Hữu tình ta lại gặp ta
      Chớ nề u hiển mới là chị em”
      Đã lòng hiển hiện cho xem
      Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời
      Dòng thơ lai láng bồi hồi
      Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.
   
    Thái Thảo hát tân nhạc:
    
     “Đóa hồng mơn mởn trên cành
      Trời làm giông tố tan tành kiếp hoa
      Trăm năm trong cõi người ta
      Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
    (Phạm Duy viết 2 câu đầu, không biết có phải cổ thi ? Mà cổ thi thì ngâm hoặc hát chèo, chứ ai lại phổ theo tân nhạc?)    
Cảnh Kiều thoăn thoắt đề thơ trên thân cây...
Trời trở nên trong sáng, bỏ nấm mồ lại phía sau,, tạm xóa đi cái u-uất của hình bóng Đạm Tiên. Hai chị em lững thững đến bên nhịp cầu bắc qua suối, nơi Vương Quan đang đứng.       Phần nhạc kịch, phân đoạn Đạm Tiên chấm dứt.
   
Vài nhận xét cuối:
Phần tích cực:
1/ Quả thực, nhạc sĩ Phạm Duy đã đi đầu trong giới nhạc sĩ Việt Nam viết Nhạc Kịch về Truyện Kiều. Duy Cường đã rất công phu khi hoà âm cho cả tác phẩm, (cha con dễ hoà hợp), và phối trí  âm thanh điện tử thay vì sân khấu Broadway phải dùng một ban nhạc đại hoà tấu sống.
2/ Được mọi người trông chờ kịch bản này được thực hiện trên sân khấu.
3/ Trước đây, Nguyệt san Việt Nam xuất bản tại Canada, số 11, tháng 8/1997 có bài báo khen Phạm Duy : “Minh Hoạ Kiều thật sự là một Symphonie Việt Nam có khả năng tạo thêm sinh lực đưa Truyện Kiều  của cụ Nguyễn Du  đi xa hơn vào tương lai trong thế giới văn minh kỹ thuật hiện đại”

    Phần tiêu cực:
1/ Theo Phạm Duy, tác phẩm Đại Nhạc Kịch Minh Hoạ Kiều này tuy diễn cả Truyện Kiều, nhưng chỉ lấy những phần quan trọng
2/ Không biết tác giả căn cứ vào đâu để cho đoạn thì ngâm, đoạn thì hát. Nhạc được phổ lúc thì cổ như Trống Quân, Quan họ, lúc thì theo tân nhạc…và dùng cả nhạc cổ điển Tây Phương để diễn đạt?
3/ Theo thiển ý tôi, người đã được nghe Phạm Duy giới thiệu từng đoạn, tuy không biết sâu rộng về âm nhạc, nhưng tôi có thể nói tác giả lời khen trên không có một trình độ âm nhạc nào khi nói Minh Hoạ Kiều là một Symphonie, hoặc nhắm mắt khen liều vì chưa từng được nghe âm thanh của “Symphonie” này! Khen như thế còn tệ quá lời chê. Hơn nữa đã trực tiếp làm hoen ố Truyện Kiều cũng như nhục mạ tài năng của Nguyễn Du khi nói nhờ đó mà Truyện Kiều mới có Tương Lai trong thế giới văn minh (sic)!!!

    Phần giới thiệu thêm:
    1/ Quách Vĩnh Thiện.
Ở đây, chúng ta không thể không nói tới kỹ sư tin học Quách Vĩnh Thiện đã bỏ ra năm năm trời phổ nhạc cả tác phẩm Truyện Kiều gồm 66 bản nhạc thu trong 7 CD dài 8 tiếng đồng hồ, dài hơn tác phẩm cổ điển Christmas, gần 3 tiếng (1734) của  J.S. Bach và chỉ chịu thua tác phẩm The Road (1997) của Frederic Rzewski trường phái Avand Gard dài 11 tiếng. Tôi chưa dám nghe cả bộ, nhưng thưởng thức ít đoạn trên You Tube cũng hay không kém những bản âm nhạc hiện đại!
Vài nhận xét về tác phẩm:
- Suốt 66 phân đoạn qua 2778 câu thơ, trong cùng một “melody” nương theo nhạc điệu của thể thơ Lục Bát của Truyện Kiều. Tác giả chỉ đổi từ Slow rồi Boléro, Cha Cha Cha…và gì nữa tôi không biết, những đoạn “mix” cũng như các nhạc cụ tây phương như violon, guitar, piano, flute, dân tộc như tỳ ba, đàn tranh, sáo, … một đội ngũ ca sĩ hùng hậu như Quỳnh Lan, Hương Giang, Mai Thảo, Tố Hà, Xuân Phú, Thuỵ Long (gần như không chuyên nghiệp, còn những ai nữa tôi chưa nghe hết cả tác phẩm nên không biết), đơn ca hoặc hát bè để thay đổi không khí. Tuy nhiên, mỗi lần chỉ nghe vài phiên khúc, thơ sẽ được nhạc rước đi nên nghe khá hay. Nếu ai muốn thưởng thức toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều, chưa được ai ngâm hết mấy ngàn câu thơ, thì mở “You Tube” lần lượt nghe toàn bộ từ câu đầu tới câu cuối qua âm nhạc Quách Vĩnh Thiện thì cũng rất đáng thời giờ bỏ ra trong 7, 8 tiếng (xin mở volume vừa thôi) như nghe băng đọc truyện.
- Tất cả chỉ chú trọng vào Thuý Kiều nên các nhân vật khác đều nhẹ đi. Riêng phần “truyện” của Đạm Tiên (là chủ thể của bài này) được dàn trải trong 3 phân đoạn.
* Cuối phân đoạn 2, chủ đề Thanh Minh Đạp Thanh (từ câu 39-76): Kiều gặp mả Đạm Tiên.
* Cả phân đoạn 3, chủ đề Hồng Nhan Bạc Mệnh (từ câu 77-118): sự gắn liền định mệnh của Kiều với Đạm Tiên.
* Nửa đầu của phân đoạn 4, chủ đề Kim Trọng (từ câu 118-158): Kim, Kiều gặp gỡ, nhưng đoạn đầu là cảnh Đạm Tiên hiện hình…và rồi Kim Trọng mới xuất hiện.
Ở đây, chúng ta sẽ thấy câu nhận xét “Tiếng Việt đầy nhạc tính” là rất đúng. Hầu như trong 66 phân đoạn, nhạc được phổ mà không cần thay một chữ nào trong 2778 câu thơ. Riêng tựa của những phân đoạn được đặt tuỳ hứng của nhạc sĩ.
   
2/ Frederic Rzewski:
Một tác giả đặc biệt, ông Burton Wolfe, đã viết kịch bản Truyện Kiều , âm nhạc và đối thoại (song ngữ Việt, Anh) đúng theo lối trình diễn Broadway Musical. Một người ngoại quốc có công đưa Truyện Kiều, tác phẩm đã từng được thế giới vinh danh, lên sân khấu Đại Nhạc Kịch, cũng đáng trân trọng. Chỉ tiếc tác giả không làm cho tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng như Miss Saigon (1970), được diễn tại Broadway Theater nhiều buổi (trên 5000 buổi). Miss Saigon phỏng theo Đại Nhạc Kịch Madame Butterfly của Giacomo Puccini, đạo diễn là Nicholas Hytner, với đề tài thời sự về những ngày sau cuộc chiến ở Việt Nam nên dễ câu dẫn khán giả.
Tuy nhiên, vở Nhạc Kịch Truyện Kiều cũng đã được trình diễn tại thành phố Houston, Texas ngày 12/9/10.  Biết bao giờ mới tới San Jose CA của chúng ta.
Không biết thời còn sinh tiền, nhạc sĩ Phạm Duy đã nghe hay biết gì về hai tác phẩm trên?

     Hồ Linh






















No comments:

Post a Comment