Hoài Hương
Người thiếu phụ buồn hiu hắt, nhìn biển đêm đen mịt mờ, mà
ngọn hải đăng không thể nào soi sáng hết. Đêm nay có một người thiếu phụ mặc
toàn thân một màu đen tang tóc. Lê những bước chân âm thầm tìm về vùng biển
lạnh, nơi mang nhiều dấu ấn trong đời người di tản, với dòng nước mắt vẫn chưa
vơi.
Mười bảy nằm chờ đợi đến mỏi mòn, người bạn đời trăm năm đã rủ xác trên
đồi hoang sơ lạnh, không một tấm mộ bia, chỉ có một cây ớt làm dấu, nhờ đàn
chim mang hạt rãi trong rừng. Mười bảy năm chờ đợi, người thiếu phụ ôm con thơ
đi thăm nuôi, bước thấp, bước cao trên đường đèo heo hút, chỉ có vài nắm xôi, và
một ít mắm ruốc mang đến cho chồng. Chỉ có thế, vì tất cả đồ đạc trong nhà đều
phải bán dần, để nuôi con lây lất qua ngày trong thầm lặng, khép cửa chờ chồng
trong từng đêm vắng. Nhưng hỡi ơi, lần thăm nuôi cuối cùng của người thiếu phụ,
chỉ được nhìn thấy nấm mộ hoang sơ trên đồi hoang vắng, bên một dòng suối chảy
róc rách, mà nắm đất trên mộ vẫn chưa khô ráo. Chung quanh rải rác đâu đó, vẫn
có những nấm mộ như vậy. Người thiếu phụ gục xuống ôm lấy nấm mồ khóc không
thành tiếng, mà chỉ gọi được hai tiếng anh ơi, rồi lịm dần trong nỗi đau vô
cùng tận. Cứ thế, cho đến lúc chiều buông, hơi lạnh của núi rừng làm cho thiếu
phụ cảm thấy lạnh, cùng với nỗi sợ hãi khôn cùng. Mặc dù, lúc đó thiếu phụ còn
rất trẻ, với nét đẹp mặn mà của người con gái xứ Huế nên thơ, ôm con thơ trở
về, đứa bé bỗng lên cơn sốt. Cuống quít, thiếu phụ không thể suy nghĩ gì hơn,
nên mang bán đi chiếc nhẫn cưới để đưa con đi bác sĩ. Nỗi thống khổ, đã khiến
cho người thiếu phụ gầy rạc đi với đôi mắt buồn hiu, suốt một đời cho đến mãi
tận bây giờ....
No comments:
Post a Comment