Tuesday, May 23, 2017

NÓI CHUYỆN VỚI… NÀNG THƠ


















Giới thưởng ngoạn nghệ thuật qua bộ môn thi ca, khi nói đến Thơ, người ta trân trọng gọi Thơ là Nàng Thơ hay Nàng Ly Tao (*).  Nói đến Thơ là nói đến một cảm xúc rất dịu dàng, rất mềm mại, rất thắm thiết, rất quyến rũ, và rất…. Nên Thơ.  


Đã hàng ngàn năm Nàng Thơ luôn luôn là người bạn đến với Tao Nhân trong mọi cảnh ngộ của con người, khi hạnh phúc an vui cũng như lúc nguy nan bất hạnh. Trong mọi hoàn cảnh, thơ đến với người như một an ủi, để vuốt trôi những uẩn ức hay những cảm xúc rạo rực của nỗi lòng.  

Thơ là một nghệ thuật riêng biệt của văn chương. Ngôn ngữ của thơ là ngôn ngữ đặc biệt, và riêng biệt đi kèm với cảm xúc của người làm thơ. Người thơ, khi đắm chìm trong trạng huống xao xuyến, do những rung cảm của con tim; do những trầm tư về một cảnh vật, về một con người, về những đoạn đời từng trải, trong một khoảnh khắc, cái âm-ỉ kia cuồn cuộn như cơn lốc xoáy để bật thành tiếng, và thơ hiện hữu như một hóa giải, như một đáp ứng tiếng réo gọi thôi thúc của tâm tư. Thế là ngôn ngữ thơ tràn ra trang giấy.

Cụ Bùi Kỷ cho rằng Thơ là phần kết tụ của khí hạo nhiên, một thứ hạo khí thuộc về phần hình nhi thượng của tạo hóa, để rồi từ đó tuôn trào ra đầu ngọn bút, trước những cảnh vật thiên nhiên, cũng như trước những cảm xúc của con người, như khóc, như cười, như say, như tỉnh, như bực dọc, như hả hê, như nhớ nhung, như khuây khỏa….

Người thời nay, như Mai Thảo thì lại nhận định: “Chỉ thơ, thơ mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương”. 

Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần sau một đời người miệt mài với chữ nghĩa, đọc, viết và nghiên cứu văn học cuối đời đã đưa ra kết luận: “Thi sĩ các anh là con cưng của thượng đế. Rút cục chỉ có Thơ.”

Tóm lại, Thơ là sự thăng hoa tuyệt đỉnh của cảm xúc, tư tưởng và ngôn ngữ. Ngôn ngữ của thơ là ngôn ngữ đặc biệt, và riêng biệt đi kèm với cảm xúc của người làm thơ, mà người ta thường gọi là Năng Khiếu Thiên Phú.

Trong văn học Trung Hoa, từ thời đại xa xưa, Chu Hy cho rằng “nhân chi sơ tính bản tĩnh”. Từ “bản tĩnh”, do cảm xúc của dục tính mà “tĩnh” chuyển sang “động”. Và một khi tâm đã động thì trí sẽ vận dụng đến suy tư, khi đã suy tư thì phải thốt lên bằng tiếng nói. Lời nói không đạt tới được cái tận cùng của cảm xúc nên sinh ra vịnh thán. Khi đã vịnh thán thì không thể không vận dụng đến tiết tấu tự nhiên từ mối rung động xốn xang... Và từ mối rung động đó mà một thể tính cảm xúc xuất hiện. Người ta gọi đó là Nguồn Thơ.

Tất cả những người làm thơ đều có nguồn cảm xúc giống nhau, như nhau. Khác nhau là ở cái căn nguyên từ đối cảnh, đối tình của mối rung động. Nguồn cảm xúc ấy vượt lên trên, không chỉ là một tâm sự tách bạch. Một bài được gọi là thơ, diễn đạt để phô bày một tâm trạng chưa hẳn là một bài thơ, đó không phải là nguồn thơ. Nguồn Thơ là dòng chảy mênh mông bất tận, dẫu cho đến khi cuộc sống có mỏi mòn, thể xác kia có già nua thì nguồn thơ vẫn không tàn héo.


Còn nữa, còn nhiều lắm, nhận định của những danh nhân, học giả Đông Tây dành cho thơ.

Xin được mở dấu ngoặc ở đây để nói về Thơ Tình.

Tình đây là Tình Yêu. Theo như định nghĩa có nhuốm mùi triết học: Tình Yêu là sự tra vấn, kiếm tìm, săn đuổi, để chụp bắt một cái gì, như có, như không; như có đó mà không có đó, rất thật mà không có thật; không có bây giờ, nhưng có thể có ở ngày mai, hoặc có ở lúc này, nhưng ngày mai không chắc sẽ có. Và vì vậy, tình yêu như một ngọn sóng cuốn hút con người, hết thế hệ này đến thế hệ khác, cứ thế tiếp tục một cuộc săn đuổi, kiếm tìm bất tận.

Xuân Diệu, khi viết bài thơ với câu mở đầu: “Yêu là chết trong lòng một ít”, tuyệt nhiên không phải là một định nghĩa về tình yêu như nhiều người vẫn gán ghép, mà là do cảm xúc nội tại về sự xao xuyến của cõi lòng về một mối tình, một đối tượng đang còn săn đuổi, khi chưa đạt được cứu cánh, chưa qua thời kỳ quá độ.

Nguyễn Bính, khi làm bài thơ Người Hàng Xóm với bốn câu mở đầu:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có mối buồn giống tôi
là lúc thoát thần, thú nhận một cảm xúc trào dâng, để bao nhiêu ý tưởng, suy nghĩ trào ra thành một “bản tự thuật” của trái tim thi sĩ.

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: “hay tôi yêu nàng?”

Chính cái hư hư thực thực, của cảm giác có, không, không, có của nhu cầu tâm lý ấy, mà những khoảnh khắc bất chợt của cảm xúc bùng vỡ bất ngờ, làm cho Thơ vụt hiện. Cùng với cảm xúc bùng vỡ, ngôn ngữ cũng bất thần xuất hiện, ăn khớp nhịp nhàng với rung cảm, để ý tưởng tuôn trào thành thơ. Những ngôn ngữ bộc phát lúc bấy giờ, có khi vô nghĩa với người ngoại cuộc, nhưng lại rất tâm đắc với chủ thể của mối rung động, phát ra thành Thơ.

Tất cả ngôn ngữ, cảm xúc đó chỉ thể hiện trong cái khoảnh khắc rung động ấy thôi, sau đó là hết, là mất hẳn. Sau đó nếu có cố vận dụng cách nào đi nữa, cũng không bao giờ tái tạo được cái cảm giác kỳ ảo, đi kèm với những ngôn ngữ tuyệt diệu kia.

Bài thơ làm xong, giây phút đó qua đi, từ đó không bao giờ có lại cái cảm xúc lần thứ hai như vậy nữa. Đối tượng từ từ chìm khuất, và con tim ngủ yên.  Loại thơ này khác với những bài thơ tìm ý, tìm chữ, ghép vần.

Hiệu chính 4/2017
Song Nhị

----------------------
(*) tên tác phẩm vận văn (văn vần) của Khuất Nguyên đời Chiến Quốc, là trường thiên xưa nhất của văn học Trung Hoa.

No comments:

Post a Comment