Wednesday, May 10, 2017

Đỗ Bình - CHẶNG ĐỜI



Tự Truyện
Thời gian như gió thoảng mới ngày nào tóc còn xanh hồn mộng mơ đầy hoa bướm, chớp mắt tóc đã phai màu! Chiều trên phố Paris nắng nhuộm vàng không gian làm rực rỡ cảnh sắc, những cánh hoa vàng thắm, những chiếc lá non ửng hồng lóng lánh. Trời xanh ngát, nhìn áng mây chiều lờ lững  tôi chợt thấy cô đơn, lòng dâng cảm một nỗi buồn xa vắng!

Từ ngàn xưa cho đến nay ít có dân tộc nào lại không có một lần chiến chinh? Khi đất có chiến tranh người dân phải chịu nhiều đau khổ vì nó như một cơn hồng thuỷ tàn phá thiên nhiên huỷ diệt con người và mầm sống! Lịch sử của mỗi dân tộc tuy khác nhau nhưng mỗi dân tộc đều có những trang thiên hùng ca ghi dấu những chiến công hiển hách, những trận đánh lẫy lừng, và những cuộc chém giết thật hãi hùng. Ngày nay khoa học tiến bộ những vũ khí xử dụng rất tối tân thì sinh mạng con người càng dễ bị đe doạ. Những ai đã từng trải qua trong khói lửa chiến chinh chắc không khỏi tự hào xen lẫn ngậm ngùi mỗi khi nhắc đến chiến tranh? Cuộc chiến ý thức hệ Quốc Cộng xảy ra trên quê hương kéo dài trên hai mươi năm dù đã qua lâu nhưng vết thương chiến tranh vẫn để lại trong lòng quê hương những nét hằn sâu đậm, những rạn nứt tình người mà thời gian chưa hàn gắn được! Làm sao có thể đếm hết được những giọt nước mắt của mẹ gìa vợ hiền con dại đã khóc vì những người thân đã hy sinh! Tôi lớn nên trong thời chiến làm sao tránh khỏi dấu binh lửa? Bằng hữu và thân nhân của tôi cũng nằm trong số ấy, người chết, kẻ bị tàn phế, may lắm vài người còn lành lặn! Chiến tranh quái ác thế nhưng các bạn tôi sau khi học xong rời ghế nhà trường đều theo tiếng gọi lên đường vào quân đội, và tình nguyện phục vụ ở những binh chủng oai hùng. Họ không sợ chết, nói đúng hơn họ xem nhẹ cái chết nhưng lại sợ tiếng đời cho là hèn yếu, trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng khi tổ quốc cần. Họ là những anh hùng vô danh nguyện đem xương máu trải khắp trên quê hương. Ôi thật là cao cả!
Tôi được đưa vào Quân Y Viện Cộng Hoà trong giờ phút sinh tử của Sài Gòn và để lại nơi đó một phần ánh sáng. Thê thảm hơn chỉ vài ngày sau khi miền Nam thất thủ lọt vào tay cộng sản miền Bắc, người ta thấy một đoàn thương binh của chế độ cũ, lớp cụt què, lớp đui mù, trên thân thể họ loang lổ rỉ máu, có những vết thương lở lói chưa kịp băng, họ lếch thếch dìu nhau lê bước trông giống như đám quỷ nhập tràng từ khu nhà mồ chui ra vì vưà bị đuổi ra khỏi bệnh viện, và trong đám người khốn cùng này có tôi!
Biến cố ngày 20 tháng bảy năm 1954 đã chia đôi đất nước bằng một lằn ranh ý thức hệ thành hai nửa đối chọi nhau. Sự chia cắt đất nước làm người dân hai miền đau lòng nhưng vẫn quyết liệt triệt hạ nhau.  Cuộc chiến kéo dài quá lâu, quê hương bị tàn phá bởi bom đạn, mìn bẫy, khủng bố, ..vv… những thứ ấy đã cướp đi biết bao người con đất Việt, khiến núi sông chất ngất xương máu tử sĩ! Có người Việt Nam nào mà chẳng mong ngày Hòa Bình? Nhưng điều đó chỉ  là ước mơ của nững người yêu qúy thật sự Tự Do, vì Hòa Bình đúng nghĩa thì vẫn chưa đến!. Biến cố 30 tháng tư năm 1975 ngừng tiếng súng, dòng sông Bến Hải được nối liền, mẹ con, vợ chồng, anh em gặp lại nhau trong tình nghĩa ruột thịt sau nhiều năm bị phân chia trong ranh giới thù nghịch. Những tưởng chẳng có một tư tưởng, chủ thuyết nào định cắt chia tình người mà tồn tại, như thế, tại sao người dân miền Nam lại ngậm ngùi, lại sợ hãi sau khi ngưng tiếng súng?! Phải chăng phe chiến thắng vẫn dùng bạo lực để đối xử nhau! Kể từ sau ngày «giải phóng» đất nước triền miên đói khổ, người dân miền Nam sống trong php phồng lo âu khi đã nhìn rõ bộ mặt thật của CS. Để duy trì quyền lực nhà cầm quyền Hà Nội đã bất chấp mọi thủ đoạn: trấn áp, cướp nhà, cướp của, đốt sách báo, cấm văn hóa đồi trụy, kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí…. khiến người dân sợ hãi  tìm đường vượt biên. Ở trong các thành phố CS kủng bố tinh thần người dân bằng cách cấm hội họp tụ tập. Không khí trấn áp đè nặng lên từng khu xóm, con hẻm, góc phố… Cứ ba người tụ lại với nhau đều bị công an kêu lên tra vấn, nếu tất cả cùng trả lời ăn khớp không liên quan đến nhữngđiều quốc cấm nghĩa là bàn đến chính trị thì được thả về, nếu một trong ba người nói khác thì cả ba phải đi cải tạo tư tưởng vì vị khép tội có tư tưởng chống đối nhà nước!
 Từ khi bị đuổi ra khỏi Tổng Quân Y Viện Cộng Hòa tôi trở về nhà tiếp tục điều dưỡng và mới được một tháng, vết thương của tôi chưa đóng vẩy thì đám «xu thời » đeo băng đỏ trong khu phố kéo đến nhà hạch hỏi, trong số quen mặt đó có kẻ bỗng dưng tự nhận là chủ tịch phường. Hắn lớn tuổi hơn chúng tôi, là một kẻ nhiều năm trốn lính, bị bắt quân dịch đưa ra đơn vị tác chiến, sau đó được người bạn của tôi thương tình cùng lối xóm đưa về ở hậu cứ tiểu đoàn làm việc vặt tránh những lửa đạn chiến trường. Sự ân tình đó nếu không mang ơn thì cũng không nên trở mặt đối xử nhau tàn tệ thế!  Hắn vì muốn lập công với chế độ mới nên đã đến nhà bắt tôi và người bạn tôi đi tù. Bạn tôi, anh ấy vì kiệt sức đã chết ở trại tù Thanh Hóa!. Khi vừa đến nhà tôi mồm hắn oang oang kết tội, bảo tôi là thành phần phản động «nguy hiểm» trước ở đơn vị tác chiến, làm Chiến Tranh Chính Trị nên thường tuyên truyền xuyên tạc «cách mạng» , do đó phải đi học tập cải tạo gấp! Nếu nghe câu đó do bộ đội nói tôi tôi chỉ mỉm cười, đằng này lại là hắn nên tôi giận rung người, muốn nhảy xuống giường đập vỡ mặt hắn ra! Không phải vì đám người này đến bắt tôi đi tù trong tình trạng giở sống giở chết mà tôi thù. Không! Tôi không thù vặt, nhưng rất ghét và khinh những con người hai mặt đón gió trở cờ, thích CS nhưng không dám bỏ thành phố vào bưng biền hay tập kết ra Bắc. Họ càng không dám cầm súng bắn lại chúng tôi mà chỉ nấp sau lưng, lén lút chờ cơ hội trà trộn, luồn lách trong hàng ngũ quốc gia để nghe ngóng, lấy tin tức báo cáo! Họ là những tên chỉ điểm hại người để tiến thân, nên lòng dạ hiểm độc tráo trở biến dạng như loài kỳ nhông! Sau ngày 30/04/1975 đám dấu mặt nằm vùng, cờ đỏ đó cũng bị đám CS Hà Nội loại bỏ!
Như ngọn đèn leo lét, tôi vẫn sống qua ngày, chống cặp nạng lê lết trong các trại tù như trái cây dập! Hơn một năm sau tôi mới bỏ được cặp nạng nhưng chân vẫn còn đi khập khễnh, mãi đến nhiều năm sau đó tôi mới đi đứng bình thường. Thời gian một ngày ở trong tù dài lê thê, đối với người bệnh mắt không thuốc men lại còn thê thảm hơn! Ngày tháng cứ lặng trôi mà tình trạng sức khoẻ của tôi ngày càng kém, con mắt bị nhiễm độc càng nặng nên mất dần ánh sáng! Tôi đâm tuyệt vọng, nghĩ mình sẽ bỏ xác trong tù nên dửng dưng với hiện tại và quay mặt vào tương lai; nghĩa là chẳng nghĩ ngày về, nghĩ chỉ thêm buồn! Cái cao qúy nhất là sinh mạng thế mà chưa chắc đã giữ được nên tôi chẳng còn gì để sợ, do đó tôi thường hay chỉ trích, diễu cợt những điểm yếu của chế độ. Họ quy tội cho tôi là hay phát biểu «linh tinh» nên nhiều lần bị cùm vì kỷ luật! Hồi đó tôi chỉ muốn họ bắn một viên đạn cho đời giải thoát, nhưng họ chẳng bắn, không phải họ thương tình, hay tiếc một viên đạn, mà họ sợ tiếng đồn ầm ĩ trong trại tù sẽ ảnh hưởng đến tù nhân gây bất lợi cho cái gọi là «chính sách nhân đạo» của họ! Nếu tôi mà bị xử bắn thì trong trại tù này còn ai được thả? Họ không muốn giết ngay, họ muốn tôi chết lần mòn vì bệnh tật! Ðã thế tôi lại cần phải sống để làm chứng nhân về những trại tù CS. Cuối cùng tôi cũng được đưa lên bệnh xá điều trị. Tôi nghĩ:
- «Họ có thể kéo dài sự sống của một thân xác bệnh tật, nhưng lại không thể chữa được sự bất mãn trong tâm hồn tôi» .
Bệnh xá là khu nhà kho xập xệ của thời chiến tranh sót lại. Giường bệnh là những tấm ván ghép lấy từ những két đựng đạn kê cách mặt đất một gang tay đưọc bắc trên bốn cục gạch. Giữa nhà treo một ngọn đèn tù mù không chiếu rõ nổi trần nhà. Bệnh xá được chia làm ba khu được ngăn bởi những tấm vách bằng carton cao hơn đầu người. Khu dành cho những người mắc bệnh lây nhiễm, khu tổng quát gồm đủ thứ bệnh và khu đặc biệt dành cho cứu cấp và những người bệnh thật nặng, tôi ở khu này. Vật dụng của bệnh nhân chỉ vài chiếc lon guigoz dùng đựng nước, chứa đồ linh tinh mà tù nhân mang theo bên mình, cùng với một tấm vải lính khổ 2 mét được cấp khi vào trại dùng làm chăn đắp và cũng là tấm vải tẩm niệm tù nhân khi lìa đời. Tuy vật chất thiếu thốn nhưng những y sĩ của bệnh xá lại có tình người, họ không dám biểu lộ ra mặt nhưng được thể hiện qua sự tận tâm chạy chữa cho bệnh nhân, tiếc thay cơm còn không có mà ăn huống chi đến thuốc! Họ chỉ biết dùng lời trấn an và cho ít thuốc lá cây, còn thuốc tây chỉ dành cho “những ca hấp hối» !
Ở bệnh xá, tôi gặp lại người bạn học thời niên thiếu, trước kia nó viết văn làm báo. Nó tình nguyện vào binh chủng Dù, và đã để lại chiến trường Thường Đức năm xưa một chân nên giã từ vũ khí đã lâu, thế mà hôm nay nó vẫn đi tù! Gặp nhau trong cảnh ngộ này mừng ra nước mắt, nên hai chúng tôi thường dìu nhau ra góc hè tâm sự. Nó bảo:
- «Tao chán sống lắm rồi, chẳng còn tương lai... sống thêm thừa... chỉ khổ cho gia đình! » .
Tôi so vai:
- «Tao tưởng mình chết đã lâu rồi chứ?!» .
Chúng tôi hàn huyên về những kỷ niệm êm đềm thuở đi học, xen lẫn những bùi ngùi về ký ức chiến trường năm xưa, mà hai đứa nghẹn ngào cho hôm nay, để rồi hối tiếc không được chết trên chiến trường!
Nó trầm giọng nói:
- «Tao tiếc là bị thương tật nên không cùng anh em cầm súng chiến đấu với Việt Cộng đến cùng!» .
Tôi bảo:
- «Mày đã làm xong bổn phận với đất nước» .
Nó lắc đầu:
- «Chưa đâu! Đất nước bây giờ bị Cộng Sản nhuộm đỏ, dân chúng bị kìm kẹp mất tự do, dù chúng ta ở tù cũng không hết trách nhiệm!».
Tôi thở dài:
- «Biết làm sao bây giờ?! Càng nghĩ tao càng hận bọn phản chiến Mỹ và lũ con buôn chính trị quốc tế, chúng lừa đảo, nhân danh tự do rồi phản bội chúng ta!» .
Nó chua chát nói:
- «Bọn con buôn chính trị thì chỉ biết đến tư lợi thôi!» .
Nói đến thời cuộc mà lòng tôi ngao ngán buồn rười rượi! Bỗng một ý nghĩ táo bạo chợt lóe trong đầu, tôi đặt tay trên vai bạn và khẽ nói:
- «Nếu sống chỉ thêm hại cỏ cây kéo lê kiếp sống thừa thì, thà chết quách đi cho đỡ khổ xác! Mày và tao nếu mình tự tử chung biết đâu sẽ gây được tiếng vang, đánh động sự trỗi dậy của anh em tù?» .
Nó đang trầm ngâm hướng mắt về một cõi xa bỗng quay phắc lại,  mặt tươi ra, mắt sáng quắc:
- «Mày có lý! Mình phải làm cái gì đó để phản đối chính sách phi nhân của CS» .
Nó nói tiếp:
- «Tao mường tượng sau khi mình chết, anh em tù sẽ giao động, từ trại này đồn sang trại khác anh em tù sẽ vùng lên đòi quy chế của tù nhân theo tiêu chuẩn quốc tế» .
Tôi cười:
- «Ðược như thế là may!» .
Một thoáng suy tư kéo chúng tôi vào yên lặng, nó cúi nhặt một viên gạch nhỏ ném ra xa, tôi không thấy tầm đi của viên gạch, nhưng chợt nhớ lại kỷ niệm đẹp thời đi học chúng tôi thỉnh thoảng cuối tuần từ Sài Gòn ra Vũng Tàu tắm biển, trong lúc đùa vui thường nhặt những viên sỏi phóng trên mặt nước như muốn tâm hồn mình theo viên sỏi bay xa vượt đại dương tới cuối chân trời. Ở trong hoàn cảnh này, nỗi buồn vây tỏa, trong vô thức nó nhặt viên gạch quăng xa nhưng làm sao bay ra khỏi những hàng rào kẽm gai của trại tù! Hay nó đang nghĩ cuộc đời như viên gạch vỡ cần vứt bỏ? Tôi thở dài, nó bỗng hỏi:
-«Mày có định viết thư để lại cho gia đình không?» Tôi lắc đầu buồn bã:
- «Không! Tao không muốn để lại gì , chỉ làm gia đình buồn thêm!».
- «Còn mày? Có định viết thư không?» .
- «Không! Tao cũng nghĩ như mày!» .
Hai chúng tôi hẹn nhau hôm sau, tôi về giường sắp lại mớ hành trang, chọn bộ quân phục cũ được trại cấp để lao động, dùng tay vạt những nếp nhăn rồi xếp cho thẳng. Dù sao đó cũng là chút di sản cuối cùng của đời lính mang theo khi lìa trần. Sáng nay lúc gặp mặt bỗng dưng hai đứa chúng tôi chào nhau theo lối nhà binh, không bảo nhau mà cả hai cũng chọn bộ quân phục. Khám bệnh xong hai thằng kéo nhau ra ngồi góc hè cũ. Lòng tôi hớn hở vì sắp được đi xa, trong ảo giác tôi thấy cảnh vật bay nhảy, màu sắc tươi mát, bầu trời xanh ngắt lờ lững những áng mây hồng. Ðang suy tưởng, người bạn vỗ vai kéo tôi về thực tế, dù vẫn còn tiếc nuối cảnh sắc ấy, vì đã từ lâu mắt tôi chỉ toàn là những giải mây mờ giăng không còn nhìn được xa!
Người bạn đưa cho một nắm thuốc viên Clhoraquine, tôi cầm vốc thuốc nói:
- «Sức tao chỉ cần 5 viên cũng đủ chết, nhiều quá thừa, phí đi! Hãy để lại cho anh em lỡ có sốt rét còn có thuốc» .
Nó cười:
-«Hay! Mày có lý, ốm như cò ma mình chỉ cần một nửa cũng đi đứt» .
Nó nhún mình phóng đi như vũ trên cây nạng gỗ về cất số thuốc dư và trở ra chia nhau uống. Trong thời gian chờ thuốc ngấm, hai đứa im lặng nhìm khoảng chân trời, và mỗi đứa theo một ý nghĩ riêng. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi, một người dân tha thiết với quê hương bằng tấm lòng, đã theo tiếng gọi non sông vào chiến khu kháng chiến chống thực dân rất sớm. Sau khi nhìn rõ bộ mặt thực của Việt Minh mẹ tôi bỏ trốn về thành nhưng bị bắt lại, bị đánh đập rất dã man, và đòi đem xử bắn. May cho bà trong lúc bị giam đã được vài người bạn cứu thoát đồng trốn về Hà Nội. Sau  đó gia đình chúng tôi đã  trôi theo dòng sử mệnh thăng trầm của đất nước cùng đoàn người di cư vào Nam. Tôi vẫn ghi khắc nét lo âu tiều tuỵ trên khuôn mặt mẹ, nhất là đôi mắt buồn! Bà suốt đời đã hy sinh vì tôi, cả một đời bà ước mơ và chờ đợi nhưng không bao giờ toại nguyện! Mẹ tôi lúc còn chiến tranh hằng cầu nguyện quê hương sớm thanh bình để con mình khỏi chết trận. Sau khi hết chiến tranh lại cầu nguyện cho con sớm thoát tù. Nghĩ đến đây dòng lệ trong tôi tự trào, suốt đời tôi làm cho mẹ buồn!
Dòng suy tưởng lại miên man đến nàng, người mà tôi muốn quên nhưng hình bóng ấy vẫn ẩn hiện trong tâm hồn, chợp chờn trong giấc ngủ! Tình yêu như một chiếc bóng bên tôi, có khi theo dấu chân lăn trên đường, bàng bạc trong không gian, và có khi ẩn trong tiếng thở dài! Tôi muốn quên nàng, quên những kỷ niệm đẹp của tình yêu như những chùm pháo bông rực rỡ muôn sắc, rồi tan loãng, tắt lịm vào đêm tối! Tôi sợ tình yêu làm yếu lòng, sợi giây tình ràng buộc thôi thúc lòng mong mỏi ngày về, giảm đi nhuệ khí, tính kiên trì đối kháng với CS. Tôi càng muốn quên thì hình ảnh của nàng cứ hiện ra trong trí như lời thì thầm vỗ về làm hồn tôi thêm sầu nhớ. Thuở Sài Gòn chưa đổi tên, có biết bao thiếu nữ là người yêu, vị hôn thê, vợ của Lính. Nàng cũng thế nhưng đang còn đi học. Là một cô sinh viên Sư Phạm tâm hồn đầy mộng mơ, lãng mạn, nhìn đời qua ngưỡng cửa sân trường nên hình ảnh người trai thời chiến thật hào hùng qua màu áo lính trận đi dạo phố,. Cũng như bao triệu người dân Miền Nam, nàng vẫn hằng mơ ước ngày đất nước hết chiến chinh, quê hương được thanh bình để những người lính được trở về với mái gia đình sống yên vui bên những người thân. Thế nhưng khi tàn chiến chinh, những ước mơ giản dị đó đã biến thành cơn ác mộng, những người dân chân chính đó lại càng mất mát nhiều hơn khi đất nước thay sắc màu thể chế, đổi chủ. Ánh mắt của nàng không còn nét vui tươi hồn nhiên như trước và trên môi cũng đã tắt mất nụ cười sau khi được tin tôi bị thương, tôi biết nàng chết lặng nhưng không hề hé môi than số phận. Ôi, thật cao đẹp cho ý nghĩa tình yêu, nhưng điều ấy đã khiến lòng tôi thêm buồn cho hiện tại, và tương lai mù mịt,  rồi sẽ ra sao?! Trong khoảng khắc, tôi hình dung dáng nàng mong manh tha thước trong chiếc áo dài trắng, mái tóc dài bồng bềnh mỗi khi lộng gió. Nàng có nụ cười rất tươi luôn thắm trên bờ môi mọng đỏ làm sáng gương mặt phảng phất nét thơ trong tranh; chẳng thế mà các bạn gái đều xem nàng như đoá hoa hồng của đại học sư phạm ngày nào. Chiến tranh quả tàn nhẫn đã cướp của nàng bao mơ ước! Thôi, nghĩ đến mà ngậm ngùi, tất cả những ước mơ, hạnh phúc, đau khổ; giờ cũng đành xin giã từ. Xin chào cuộc đời và những người thân yêu!
Đang triền miên trong suy tưởng, bỗng tiếng kẻng từ trại tù xa vọng lại làm tôi bừng mắt. Tôi vội quay sang nó hỏi:
- «Mày đang nghĩ gì?» .
Nó thổn thức:
- «Tao đang nghĩ về mẹ tao và vợ tao» .
Tôi lại thở dài…. im lặng và trân trọng phút thiêng liêng của nó. Chúng tôi lại chìm vào im lặng để sống trong cõi riêng thì bỗng có tiếng la cứu cấp, hình như có người nhập viện? Chẳng ai rủ nhưng hai đứa cùng đứng dậy mò qua xem mới biết người vừa chết là tù cải tạo. Anh ấy thời trước là Bác Sĩ Quân Y, vì lao động quá nên kiệt sức!
Tôi bảo bạn:
- «Mày hỏi xem tên anh ấy là gì?» .
Nó gắt lên:
- «Biết làm quái gì! Trước sau gì chẳng gặp!» .
Tôi cười đùa:
- «Biết đâu ở chốn đó cũng có ‘biên chế‘ như đây thì sao!» .
Nó bảo:
- «Mày điên hả? Hơi đâu mà lo xa!» .
Tôi lắc đầu, định trở về giường nằm đợi thuốc ngấm « hờ đi» , nhưng thằng bạn bảo hãy im lặng theo dõi lớp tuồng cuối.
Người tù nhân nằm đó còm như que củi, quần áo tả tơi, anh ta chết trong cô đơn, không thân nhân, bạn bè thân thiết. Cái chết thật trầm mặc chẳng xôn xao lay động những toán tù lao động gần đó! Số anh quả hẩm hiu! Chết ở trại còn được cỗ hòm, gục trên đường lao động đưa đến bệnh xá thì chỉ được vài miếng ván gỡ từ nhà cũ bỏ hoang ra, thêm dăm ba mảnh ván chuồng lợn ghép vội thành một chiếc hòm! Chúng tôi chứng kiến thủ tục tống táng người tù, cuộc tẩm niệm rất sơ sài, nắp quan đậy không kín vì những mảnh gỗ lệch! Mấy người khiêng là những tù nhân ở những trại khác được gọi đến, trông họ như những bộ xương biết đi! Chẳng ai còn giọt nước mắt nào để tiễn đưa người quá cố! Quan tài của người bác sĩ trẻ xấu số được vùi sâu ba thước đất một cách vội vã, những mảng đất lùa trên quan tài khua động làm lớp bụi bay. Lớp đất ấy đã vùi theo một tài năng trí tuệ của đất nước trong âm thầm vào lòng đất!
Tôi thầm nghĩ:
- «Dù sao anh vẫn còn may là được các bạn tù khắc tên trên tấm bia mộ! Thôi ngủ yên đi anh, chẳng ai có thể đày đoạ anh được nữa... anh vẫn còn được hai đứa chúng tôi đưa tiễn, nhưng lúc chúng tôi ra đi, ai sẽ tiễn đưa chúng tôi đây?!».
Chứng kiến cảnh đau lòng ấy tôi thở dài nói với bạn:
- «Ðời người thế là xong, tất cả rồi cũng trở về với cát bụi! Lúc sống mọi thứ mới đáng cần, chứ chết rồi tang lễ có to hay nhỏ nào cần thiết phải không?!» .
Lòng tôi ngậm ngùi, cười chua chát nói thêm:
- «Tao cứ tưởng một người tù sống chẳng làm gì được trước họng súng, thì cái chết trong lúc lao động sẽ gây ầm ĩ, xôn xao, ai ngờ cũng chỉ là chiếc lá rụng, chẳng có đám tù nhân nào nổi dậy! Cái đói và tiếng kẻng cơm tù dã làm nhụt chí tù nhân! Chết thầm lặng như thế này, nào khác cục đất, chỉ rảnh tay bọn cai tù?! Thà là chúng ta gắng cắn răng chịu khổ sở mà sống, thì bọn đầu não CS vẫn phải phái người xuống trông coi, canh giữ mình vẫn khoái hơn phải không?» .
Nó cười thích thú:
- «Mày có lý ... đám tù mình chết hết ai làm nhân chứng về tội ác Cộng Sản?» .
Hai đưa tôi nắm chặt tay nhau, cái xiết tay mang ý nghĩa: chúng tôi phải sống.
Chúng tôi gặp bác sĩ bệnh xá cho biết đã dùng thuốc quyên sinh. Bác Sĩ Trưởng bệnh xá há hốc mồm nhìn chúng tôi vì đây là lần đầu tiên có vụ tự tử ttập thể. Trong lúc tiêm thuốc giải chờ xúc ruột, chúng tôi được «lên lớp»! Mấy ngày sau một chính uỷ chẳng biết từ đâu đến cho gọi chúng tôi lên và bắt làm tờ kiểm điểm. Họ quy tội chúng tôi là chống đối, vì tự tử là hành động tiêu cực, tiêu diệt sản xuất và bắt chúng tôi xuất viện để về trại lao động ngay hôm đó.
Kể từ lần chia tay đó chúng tôi chẳng còn gặp nhau lần nào, nhưng lòng tôi vẫn khắc sâu hình bóng nó. Sau này tôi nghe một số bạn tù chính trị ở Mỹ kể, nó đã được tha về nhưng gia đình không còn ai, vợ con đã vượt biên không tin tức! Nó nộp đơn chờ đi diện HO, sự chờ đợi mỏi mòn, lâu quá nên đã vượt biên, chiếc tàu của nó chẳng may gặp cơn bão nên không bao giờ tới bến! Riêng tôi may mắn hơn, người con gái năm xưa vẫn chờ đợi tôi và cùng nhau trôi giạt xứ người đến mãi hôm nay.
Có phải người ta không thể lúc nào cũng sống với quá khứ vì tương lai mới cần thiết và quan trọng hơn? Chiến tranh và tù ngục đã qua lâu nhưng nhiều đêm những hình ảnh  đó vẫn len vào trong giấc mơ làm tôi bàng hoàng thức giấc, nhìn quanh mới biết mình đang ở xứ tự do mà lòng nghe nhẹ nhõm!  Ở xứ lạnh thời tiết hay thất thường, nhiều lúc những vết thương cũ, những bầm dập nhọc nhằn trong tù năm xưa thường trở đau, nhất là vào tuổi xế chiều.  Tôi đã quen quen chịu đựng rồi nên vẫn cảm yêu cuộc đời và lòng không oán hận. Đất nước tôi dân số tuy đông nhưng vẫn là một nước nhược tiểu, lại nằm sát một nước lớn, vận mệnh quốc gia nằm trong tay nhóm bè phái độc đảng cầm quyền  thì thân phận con người có khác chi những món hàng?!
Thời gian lặng lẽ trôi, từng thế hệ trong thời chiến tranh đã lần lượt ra đi! Thế giới ngày nay có nhiều thay đổi, nhiều phát minh khoa học mới đã thay những cái cũ, tư duy của  con người cũng đổi thay, nhưng có những điều không thể thay đổi được kể cả những tiến bộ vượt bực của khoa học hiện tại dù tỏa sáng đầy hào quang đã mang phúc lợi cho nhân loại nhưng vẫn không thể thay được lịch sử và quá khứ, trong đó có những kỷ niệm vui buồn về một giai đoạn lịch sử dù có muốn quên,  hay cố xoá đi thì nó vẫn lưu lại trong dân gian, trong trang sách.
Xa quê hương đã lâu nhưng tôi vẫn chưa một lần về! Sau mấy chục năm “giải phóng (sic)” xã hội Việt Nam hôm nay tha hóa, đạo đức suy đồi, bạo lực vẫn tung hoành, công an vẫn hà khắc bịt miệng người dân. Nạn quan liêu, bè phái, tham nhũng đục khoét tận xương tủy chế độ làm khốn khổ người dân! Sau bao biến cố đau thương, người dân Việt hôm nay bừng tỉnh nhận thức được cái họa mất nước gần kề vì những tài nguyên, đất đai, bờ biển đang bị lấn chiếm mất dần do mộng bá uyền của Trung Quốc.  Người dân phẫn uất đảng xuống đường phản đối chính quyền, họ không còn sợ hãi trước bạo lực mà can đảm dấn thân không sợ tù đày. Rải rác khắp cả nước từ gìa, trẻ, thanh niên nam, nữ gồm đủ mọi thành phần: sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ đến người công nhân, nông dân, đảng viên ly khai,  họ đứng lên đấu tranh đình công bãi thị, đòi nhà, đòi đất, đòi nhân quyền, tự do tôn giáo. Ngày xưa lúc chúng tôi còn ở tù thường gặp những người cán bộ cuồng tín giáo điều vì mê muội tà thuyết CS nên trong lòng đầy thù hận, xem chúng tôi là kẻ thù cần phải tiêu diệt do đó đã hành xử với chúng tôi không còn nhân tính! Ngày nay cách nhìn về đất nước đã thay đổi, bức tường Berlin bị đập bỏ, Liên Bang Xô Viết tan rã, chủ thuyết Cộng Sản bị cáo chung, và ở VN còn lại đám cầm quyền độc tài cố dương tấm bình phong Cộng Sản để dễ trấn áp, cầm tù những người đối kháng. Thời thế chuyển mình nên đã có những người đảng viên xé thẻ đảng, trả thẻ đảng đứng về phía dân tộc chống lại bạo uyền CS qua các phong trào dân chủ, dân oan không sợ đảng, sợ công an bắt cầm tù.  
Bốn mươi hai năm sau ngày miền Nam bị nhuộm đỏ, các bằng hữu của tôi tan tác phiêu bạt muôn phương, có kẻ chết trong trại tù, có kẻ nằm sâu trong lòng đại dương trên con con đường vượt biển tìm tự do và có người lưu lạc xứ người. Người ở lại thì lạc loài chí hướng, cô đơn trên chính quê hương mình! Thế nhưng hôm nay vẫn còn có nhiều người sinh sau cuộc chiến vẫn bỏ nước ra đi vì muốn tìm miền đất tự do. Phải chăng người ta có thể chết cho quê hương, nhưng vì tự do lại dám bỏ quê hương. Paris cuối tháng tư trời gío lạnh, tâm hồn tôi cô đơn vì nhớ bạn, nhớ quê hương, khiến lòng tôi ngậm ngùi!
Đỗ Bình, Paris 29.04.2017



No comments:

Post a Comment