Biến cố cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 với hơn 6.500 người dân
vô tội bị hành quyết trong 27 ngày cộng sản chiếm giữ cố đô Huế đến nay đã 50
năm, nhưng cho dù bao lâu nữa, những người sống sót, những nhân chứng hiện cư
ngụ trong nước và hải ngoại, những phim ảnh, những trang sách, những câu chuyện
kể... kho tài liệu sống hầu như vô tận, còn mãi mãi ám ảnh nỗi kinh hoàng nhiều
thế hệ, dù họ không trải nghiệm cuộc chiến, kể cả cuộc tắm máu mùa xuân năm
1968.
Đến nay xuýt xoát đã nửa thế kỷ, mỗi lần đọc lại tội ác của
cộng sản, người ta không khỏi rùng mình, liên tưởng tới những hành động máu
lạnh man rợ, không còn nhân tính, còn tàn bạo hơn cả nhà nước Hồi giáo ISIS ở
Trung Đông 50 năm sau. Người ta tự hỏi đảng cộng sản VN đã tuyên truyền tẩy não
bằng cách nào để có thể khiến những cán binh của họ giết người vô tội một cách
vô cảm, phi nhân tính, thi hành chủ trương diệt chủng đối với chính đồng bào
chung dòng máu, chung thành phố, cùng địa phương với mình, chỉ vì không cùng
chính kiến, một cách dã man như vậy.
Với kho tài liệu sống đầy dẫy ghi lại chi tiết kèm hình ảnh
trung thực, có thể tìm thấy để đọc, để xem ở bất cứ nơi đâu – các thư viện đại
học và thư viện nhà nước trên toàn thế giới, các nhà sách, các viện bảo tàng,
các trang mạng xã hội v.v.. Bất cứ ai, vào thời gian nào, ở bất cứ nơi đâu cũng
có thể tìm đọc để tự nghiên cứu, tìm hiểu một biến cố đã bị chính quyền Hà Nội
giữ kín và những kẻ tội phạm xuyên tạc để chối tội suốt gần nửa thế kỷ qua.
Năm mươi năm, đã nửa thế kỷ, với biết bao nhiêu những thăng
trầm của đất nước cùng nỗi bất hạnh của hàng trăm ngàn gia đình trôi qua theo
dòng thế sự, ngày nay số người trong cuộc, những người từng chứng kiến biến cố,
các nhân chứng và những nạn nhân vẫn còn là những nhân chứng sống cư ngụ ngay
trên cố đô Huế và các địa phương khác ở miền Nam, cũng không ít nạn nhân và
nhân chứng Mậu Thân đang định cư tại hải ngoại.
Đặc biệt, trong số nạn nhân và nhân chứng Mậu Thân 1968 có
những nhà văn, nhà thơ, nhà báo... sau năm 1975 sống tại các nước thuộc thế
giới Tự Do. Nhờ đó, giới cầm bút đã cung cấp cho lịch sử và văn học nhiều tác
phẩm văn chương chứng thực qua các bài thơ, bản nhạc, bài viết, hồi ký, tiểu
thuyết, tự truyện...
Một số lớn nạn nhân may mắn sống sót sau thảm kịch Tết Mậu
Thân Huế 1968, đã quả quyết thủ phạm chính cuộc tàn sát dã man lúc đó là những
thành phần trong mặt trận Liên Minh Dân Tộc Hòa Giải do Hà Nội dựng lên tại Huế
vào ngày mồng ba tết Mậu Thân (1-2-1968) gồm Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ ngọc Tường,
Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân, Nguyễn Đoá, Đào Thị Xuân Yến, Hoàng
Phương Thảo... Với “những người con Huế
đã lớn khôn này” (nhạc TCS) nhân cơ hội VC chiếm giữ Huế (chỉ trong 27 ngày) đã
biến Huế trở thành chiến trường tàn khốc nhất, dai dẳng nhất.
Huế Mậu Thân 1968 là Huế của một pháp trường với hàng ngàn
người bị giết theo kiểu hành quyết thời Trung cổ. Người dân Huế bừng dậy hoảng
hốt trong cơn ác mộng do chính đồng bào đồng loại của mình, không hề có chút
hận thù ân oán; với những kẻ hôm qua hôm trước còn đi bên nhau, nhìn nhau ra
chiều thân thiện. Người dân Huế rũ rượi, bàng hoàng, tê điếng khi nhận ra hàng
ngàn người chỉ sau mấy ngày đã trở thành những cái xác chết thối rữa trong các
mồ chôn tập thể, trong đó có chồng con của mình!
Trong mùi tanh tưởi từ máu thịt đồng bào, đồng hương, Trịnh
Công Sơn, một nghệ sĩ, nhạc sĩ phản chiến đã phải thốt lên “chiều đi lên Bãi Dâu/ hát trên những xác
người.”
Chiều nay không có
em/ Mưa non cao về dưới ngàn/ Đàn con nay lớn khôn/ Mang gươm đao vào xóm làng/
Chiều nay không có em/ Xác phơi trên mái lầu...
Và từ sau cuộc thảm sát này, lịch sử nhân loại ghi thêm một
trang đen tối tang tóc xẩy ra trên mảnh đất Thần kinh cổ kính của Việt Nam. Văn học sử
thêm nhiều tác phẩm văn chương ghi lại một thời kỳ bi thảm của dân tộc Việt
bằng máu và nước mắt.
Xin cảm ơn các tác giả đã đóng góp bài viết cho chủ đề và
xin cảm ơn các tác giả có bài viết trên số 64 mà chúng tôi chưa liên lạc được. Sau hết, xin cảm ơn bạn đọc và quý ân nhân đã
bền bỉ yểm trợ và chọn Nguồn là người bạn tinh thần để cùng gởi gắm và chia
sẻ...
Trách nhiệm thuộc về ai? (Trích phóng sự của Thiện Giao)
Người dân Huế quan tâm hơn đến câu hỏi: Ai đã giết, ai đã
chết, ai sẽ chịu trách nhiệm những gì xảy ra trong gần 4 tuần lễ kinh hoàng của
Huế?
Học giả Douglas Pike, thuộc Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, trong
bản báo cáo hoàn tất vào ngày 1 tháng Hai năm 1970 tại Sài Gòn, đã viết, chỉ
trong một trận Mậu Thân tại Huế, gần 4,800 thường dân đã chết và mất tích. Ông
Pike kết thúc lời mở đầu của báo cáo bằng một khẳng định:
“Nếu báo cáo của tôi là một bản án đối với thái độ của
người Cộng Sản, thì
thật sự nó là như vậy đấy. Đơn giản vì thái độ ấy đáng bị
lên án.”
Có lẽ, không ai, xin nhấn mạnh, không có bất cứ ai, có đủ
tư cách và thẩm quyền để trả lời câu hỏi: Ai đã giết người dân Huế? Chỉ có
thành phố Huế và người dân Huế, những nạn nhân trực tiếp của cuộc thàm sát, và
những người trực tiếp tham gia công tác truy tìm, mai táng xác nạn nhân mới có
thẩm quyền trả lời, và cả thẩm quyền để lên án.
Những nhân chứng của 40 năm trước hồi tưởng: “Theo những
báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh
Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa
Thiên.”, (Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng
Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên).
Và hôm nay, người dân Huế thế hệ Mậu Thân, đang sống tại
Huế, nói gì?
“Gió Nam
thì vỗ về gió Nam,
gió Nồm thì vỗ về gió Nồm. Ngã mô cũng khổ. Không theo thì chết. Không theo thì
chôn...”
“Nó xô xuống, nó dập, khổ lắm. Ở Huế đây chết nhiều cái thê
thảm!”
“Toàn dân không à. Mà họ nói là ác ôn, ri khác. Ai chết thì
chết. Tui chừ tui cũng sợ, tui không dám về làng.”
40 năm qua là 40 năm người dân Huế đón Xuân cùng lễ giỗ.
Bốn mươi năm nhưng vết thương chưa lành. Năm nay, người dân Huế ở hải ngoại lại
tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm thảm sát Mậu Thân. Ở trong nước, giới chính quyền,
giới quân sự thì tổ chức hội thảo khoa học về chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Một trong các hội thảo được tổ chức tại Huế.
Đến nay, đứng trước những cáo buộc suốt 40 năm của những
Việt Nam Cộng Hoà cũ, và của cả giới nghiên cứu quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, Hà Nội
vẫn chưa bao giờ có câu trả lời chính thức: Ai, bằng cách nào, và tại sao, đã
giết hàng ngàn người Huế, trong đó có cả sinh viên, thanh niên, học sinh và phụ
nữ.
Ban Biên Tập Nguồn
No comments:
Post a Comment