Sunday, January 14, 2018

"TRÀ HOA NỮ" VIỆT



HÀ BẮC

Theo lịch sử Điện Ảnh Việt Nam từ thời người Pháp thành lập IFEC (Indochine Films Et Cinémas) hôm 11/9/1923, phim Trà Hoa Nữ (La Dame Aux Camélias) đã từng được trình chiếu ở châu Âu; ban đầu dưới dạng phim câm (film muet) hồi 1907 đầu tiên ở Đan-mạch rồi kế đến 1911 ở Pháp. Mãi đến 1934 câu chuyện phim này mới xuất hiện có lời Pháp và được trình chiếu ở Đông Dương sau đó. Trong khi điện ảnh miền bắc chuyên về đề tài giết chóc, tuyên truyền chính trị mác-xít và chỉ đóng phim này ở miền nam sau khi Liên-xô sụp đổ năm 1991, điện ảnh nhân bản miền nam của Việt Nam Cộng Hòa dù chưa phát huy hết năng lực để kịp đóng phim Trà Hoa Nữ trong thời chiến cũng đã có cơ hội đóng phim này sau khi công dân di tản sang Mỹ. Đó là phim "Trà Hoa Nữ" của "Ánh Hoa Điện Ảnh" do trung tâm Thanh Lan phát hành năm 1984.

Trà Hoa Nữ là tiểu thuyết của Alexandre Dumas (fils 1824-1895) sáng tác hồi ông mới 23 tuổi; xuất bản lần đầu năm 1848. Tác phẩm thuộc dạng bán-hồi-kí miêu tả mối tình ngắn ngủi có thật giữa tác giả và kẻ "ăn sương" Marie Duplessis. Chuyện kể bởi nhân vật nam tên Armand Duval với một nhân vật nam khác không rõ tên về nàng kỹ nữ nổi tiếng Marguerite Gautier ở Paris hồi thế kỷ XIX sau khi nàng qua đời vì bệnh "consumption" (tuberculosis - lao phổi) và có lẽ là "syphilis" (lậu-giang mai) mà hồi thế kỷ 19 y khoa chưa khám phá vi trùng các bệnh này nên chưa có tên. Trong khi dưỡng bệnh tại một khu nghỉ mát, nàng được một công tước già giàu có nhận làm con nuôi. Sau khi hồi phục và trở lại kinh đô ánh sáng, nàng gặp Armand, con trai tơ của một bá hộ. Họ yêu nhau chân tình và cùng giã từ chốn phồn hoa đô hội để về sống hạnh phúc nơi thôn dã xa xôi. 
 
(văn hào Alexandre Dumas Fils)

Mái ấm hạnh phúc thật cao thượng nhưng ngắn ngủi vì vấp phải sự can thiệp quyết liệt của ông bố của chàng; lúc đó mới khám phá ra sự cách biệt về giai cấp và nhất là quá khứ của người phụ nữ. Lấy cớ vợ bệnh nặng sắp chết và con gái sắp lấy chồng, ông hăm dọa, tranh luận rồi năn nỉ và đã được nàng hứa buông tha để Armand lập lại cuộc đời mới ngay từ hôm gặp ông. Armand tưởng nàng phản bội vì "ngựa quen đường cũ" nên đã trả đũa bằng thói ăn chơi trác táng để Marguerite chứng kiến mà phải đau khổ. Nay bệnh lao ngày càng trầm trọng và không còn được công tước già nào đeo đuổi và chu cấp nữa, Marguerite bèn xin gặp chàng để kể rõ nỗi lòng và tình huống cay nghiệt. Đang định đi du ngoạn ở phương Đông thì hay tin Marguerite hấp hối, chàng vội quay trở lại Paris thăm nàng nhưng vô phương cứu vãn. Trong bối cảnh các chủ nợ đến nhà trọ xâu xé và trong cơn hấp hối, chàng thấy nàng thều thào gọi tên chàng không dứt và chết trong cô quạnh.

Tiểu thuyết được dịch ra nhiều ngôn ngữ và biên soạn thành nhiều nhạc kịch, tuồng hát và phim truyện; đóng bởi nhiều tài tử trứ danh mà đáng kể là Eugénie Donche, người đã diễn đến hơn 500 lần mà khán giả vẫn không biết chán! Khúc cuối khi Marguete hấp hối, Donche khiến ai cũng phải mủi lòng rơi lệ không thua các tuồng cải lương Việt ở miền nam VN. Tiểu thuyết ban đầu được Giuseppe Verdi dựng thành tuồng "La Traviata" năm 1983; diễn ở rạp Vaudeville, Paris; trong đó, nhân vật Marguerite Gautier được đổi thành Violetta Valéry. Năm 1921, Rudolph Valentino đã soạn tiểu thuyết này thành phim câm phụ đề Pháp ngữ cùng với Alla Nazimova. Đây là một trong nhiều phim câm khác xuất hiện từ 1907, 1911, 1915, 1917, 1920, 1921, 1925, 1926. Phim câm Anh ngữ "Camille" do Clara Kimball Young đóng xuất hiện năm 1915 và Theda Bara đóng năm 1917.

Các phim "La Dame Aux Camélias" có lời (Pháp ngữ) lần đầu xuất hiện năm 1934 với Yvonne Printemps, năm 1953 với Micheline, năm 1981 với Isabelle Huppert trong vai Marguerete. Greta Garbo đóng vai Marguete trong phim "Camille" có lời (Anh ngữ) đầu tiên xuất hiện năm 1936. Phim lời Anh ngữ cùng tên của Charles Ludlam ra năm 1973. "Camille" cũng được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác; trong đó có Spanish trong "Camelia" năm 1944 và 1954. Phim tên "Camille" (câm và có lời) được đóng nhiều nhất trong nhiều năm từ 1915, 1917, 1921, 1926, 1936, 1969 và 1984. 

Ngoài ra phim còn được đóng tại nhiều nước với các tên theo ngôn ngữ bản xứ như "Kameliadamen" ở Denmark 1907 với Oda Alstrup, "La Signora delle Camelie" ở Ý năm 1915, "Arme Violetta" ở Đức năm 1920, "La Mujer de las Camelias" ở Argentina năm 1954, "Kamelyah Kadn" ở Turkey năm 1957, Kate Nelligan thủ vai chính trong "The Lady of The Camellias" ở Anh năm 1976. "Dama Kameliowa" ở Poland năm 1994. "Moulin Rouge" năm 2001 với Nicole Kidman vai chính. Tiểu thuyết này được Frédéric Chopin biến thành ca vũ nhạc kịch; thường trình diễn qua vũ điệu ballet tại các đại hí viện ở Pháp; tại Staatstheater ở Stuttgart 1978, Raymond Kravis Center ở Florida 1994, Amore Theatre ở Athens, Hy-lạp năm 1999 và nhiều nơi khác nữa. Tuồng "Marguerete" hồi 2008 cũng được ghép trong bối cảnh lịch sử nước Pháp năm 1944 dưới thời quốc xã Đức.

Truyện "Trà Hoa Nữ" chưa hề được chế độ cộng sản "Stalinist" Hà Nội cho tái bản hay đóng thành phim trước khi cái nôi cộng sản chủ nghĩa này bị sụp đổ. Mãi đến năm 1994 với Kim Cương (nghệ sĩ miền nam) thủ vai chính và Trần Phương đạo diễn, phim mới được ra lò lần đầu trong lịch sử điện ảnh XHCN. Phim được lồng trong bối cảnh xã hội Saigon XHCN thời "mở cửa" (tức bất đắc dĩ phải chấm dứt chính sách "bế môn tỏa cảng" để cứu vãn sự tồn vong của chế độ vốn bị cạn kiệt kinh tế từ cả hai nguồn viện trợ Liên-xô và Trung Cộng). Đào chính Kim Cương hơi "quá lứa" so với kép chính Thương Tín và kỹ thuật thì quá kém cỏi không thể chối cãi. Các vai phụ gồm Kiều Phượng Loan, Nhật Uyển, Mai Lan, Hải Yến, Diễm Kiều, Long Hải, Quốc Dũng và Tám Vân vốn phần lớn xuất thân từ nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, ngoài màn khiêu vũ trình diễn chuyên nghiệp, phim còn có diễn viên đóng vai bố của Armand Duval khá xuất sắc (mặc áo dài đen khăn đóng cổ truyền rất chững chạc, cử chỉ vứt bó tiền xuống đất bắt mụ tú bà phải cúi xuống mà nhặt rất sắc xảo) và lời lẽ viết cho vai này có phần thâm thúy; thích hợp với cổ phong của Việt Nam như sau:

1/ Thái độ thách đố, viết khá sát nghĩa với nguyên văn Pháp ngữ; như: "Ai cho phép cô dùng đồng tiền bất chánh để nuôi thằng con lương thiện của tôi? ... đây là cuốn gia phả của nhà họ Hoàng có chấm son của Chúa Xã chứng nhận ... con trai thì trung hiếu, gái thì tiết hạnh ... cô có giỏi cứ giẫm lên đó mà đi ... cô không dám hả; vậy thì cô hãy buông tha thằng Tuấn ... những định kiến của xã hội càng không cho phép hạng người như cô yêu nó ... ngoài tình yêu còn có gia đình, có bổn phận ...".

2/ Quan niệm "trọng nam khinh nữ" của Nho giáo, khá sát nghĩa như: "Sau tuổi thanh xuân nồng nhiệt thì người đàn ông  còn phải được kính trọng, nể vì. Liệu tình yêu của cháu có bù đắp được cho nó hay không? Mẹ nó đang hấp hối trên giường bệnh vì sự hư hỏng bê tha của nó. Đám cưới em gái nó có nguy cơ đổ vỡ vì đàng trai họ dọa từ hôn. Muốn cứu vãn những cái đó chỉ còn có một cách ... biết yêu thì phải biết hy sinh ... cả gia đình bác trông cậy vào tấm lòng cao cả của cháu. Cháu hãy cứu lấy má thằng Tuấn; cứu em gái nó; cứu cả gia đình họ Hoàng. Bác lạy cháu (diễn viên tay cầm cuốn gia phả quỳ gối toan vái lạy).

3/ Lời đối đáp của Trà Hoa Nữ cũng không kém hùng hồn trước khi chịu "hy sinh": "Tại sao vậy bác? Tại sao xã hội lại bất công với con như vậy? Tại sao cái định kiến lại tàn nhẫn, lại vô lí với con như vậy?". Và rồi định kiến xã hội ấy đã thắng với lời cảm tạ và cáo biệt không kém phần mưu mẹo và văn hoa gọt dũa của ông bố chàng: "... cháu thật là cao thượng. Cả gia đình bác sẽ không bao giờ quên ơn cháu. Cháu đừng cho thằng Tuấn biết chuyện này nghe cháu ... bác về nghe cháu!".

May thay, phim "Trà Hoa Nữ" đã được công dân VNCH di tản năm 1975 hình thành năm 1984 với nghệ sĩ Ánh Hoa, giám đốc "Ánh Hoa Điện Ảnh" kiêm vai chính Marguerite Gautier đóng với kép tài hoa La Thoại Tân trong vai Armand Duval. Bối cảnh tuyệt đẹp miền quê California với căn nhà nhỏ trang trí kiểu phương Đông và ngay cả vũ trường cũng không khác các vũ trường ở Saigon thời VNCH là bao. Cặp đào kép vai chính thật xứng đôi vừa lứa và khá chuyên nghiệp. Các vai phụ cũng đạt trong tình huống cuộc sống tỵ nạn cộng sản mới vừa tạm ổn định. Và họ cũng từng nổi tiếng ở Saigon; vai thảo như Hùng Cường, Mai Khanh; vai hài như Trần Hoàn, Duy Anh, Huy Khanh; đặc biệt vai ác như Thảo Sương và Tony Hiếu đóng rất xuất sắc.

Kịch bản có lời tâm sự của Trà Hoa Nữ (Ánh Hoa) với Tuấn (La Thoại Tân); nặng phần triết lí cao sâu: "... họ xem em như con bướm, một loài hoa đẹp mà hoa thì có ngày tàn ... anh nhìn em trong gương ... bôi đi lớp phấn son giả tạo, em không còn sức hấp mà cách đây vài phút đã làm cho cả ngàn (?) người khen ngợi ... em chẳng hãnh diện gì về những lời khen ngợi giống như loại phấn son giả tạo này ... ông trời thật oái oăm, trớ trêu ... suốt đời em đi tìm một chân hạnh phúc ...".

Và lời cảnh cáo mụ tú bà (Thảo Sương) bất lương; tuy lễ phép chừng mực nhưng cũng không kém "gáo nước lạnh" của Trà Hoa Nữ tạt vào mặt người nghe : "Em chán cảnh ngồi cạnh những lão già đáng tuổi cha; vòi móc túi lấy của họ làm của mình ... em như miếng mồi ngon của một bầy dã thú đang chờ một bàn tay giải thoát ... em khóc vì sẽ không còn phải làm cây cổ thụ của loài tầm gửi ăn bám ... bữa nào em phải làm lễ khai tử cái tên đoạn trường đó. Bây giờ em là bà Tuấn, vợ của giáo sư toán, giáo sư trường công lập Thanh Lam ... em xin chị lịch sự đừng xúc phạm đến hạnh phúc của vợ chồng em. Sống tầm thường như vậy mà em ngước mặt nhìn đời không thấy ngượng. Buổi sáng soi gương, em không thấy hổ thẹn với lương tâm. Ngồi trên đống bạc ai lại không thích hả chị, nhưng đám ruồi nhặng chung quanh bốc mùi tanh tưởi thì xin lỗi chị, đời chỉ vỗ tay trước mặt mà nhổ nước miếng sau lưng đấy chị ...".

Trà Hoa Nữ cũng đã dùng triết lí thời thượng hiện đại của chàng để đối đầu với triết lí phong kiến của ông bố chàng:  "... ảnh còn nói danh giá đôi khi chỉ là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài tấm gỗ mục nát bên trong, hay tấm màn che những đau khổ khắc khoải ... ảnh còn nói danh giá thật của người giàu cũng giá trị ngang với người nghèo ... cháu thương ảnh có nhiêu đó". Và rồi kẻ phong kiến đã phải lùi một bước: "Danh bất hư truyền; nhan sắc lại thêm tài ăn nói lịch lãm chắc ông Tuấn say đắm lắm"; để tiến lên hai bước: "... hoa có nhiều loại nhưng thằng con tôi nó không nhặt đóa hoa dại bên đường mà lại nhặt đóa hoa dầy hương sắc nhưng lại qua tay quá nhiều người. Bây giờ chắc cô đã hiểu nghĩa của hai chữ 'danh giá' là gì phải không?". Và rốt cuộc chỉ còn lại tiếng than van của kẻ vị tha trước cảnh chiến bại: "... lại có thứ danh giá của người này phải hy sinh để bảo vệ danh giá của người kia!".

Trong nguyên bản Pháp ngữ, chàng Armand Duval đã được Marguerite Gautier kể lại biến cố bố anh đến nhà như sau: "Anh vừa ra khỏi nhà chừng một giờ thì bố anh đến nhà em ... bộ mặt nghiêm khắc của bố anh gây cho em ấn tượng ... bố anh hấp thụ đầy những lí thuyết lỗi thời cho rằng gái giang hồ chỉ là kẻ bất nhân không biết trọng lẽ phải ... bố anh đã viết cho em bức thư rất lịch sự nên em mới chịu tiếp ông ... lời lẽ khá kiêu kỳ, xấc xược và dọa dẫm ... nhưng rốt cuộc bố anh cũng phải nhận chân sự thực; chìa tay cho em bắt và xin lỗi em ... bố anh nói tiếp ... con đừng chấp những lời bác sắp nói ra đây ... con tốt bụng và quảng đại vốn là đức tính mà phụ nữ khác không có ... con còn trẻ đẹp lại cao thượng thế nên dấu ấn của một hành vi tốt sẽ chuộc lại nhiều điều quá khứ của con ... sẵn đây bác cũng nói luôn thể vì sao bác lên Paris chuyến này. Bác có đứa con gái trẻ đẹp và trong trắng như thiên thần ... con gái bác sắp lấy chồng ... sắp làm dâu một gia đình danh giá vốn muốn gia đình bác tất cũng phải danh giá. Gia đình chú rể tuyên bố sẽ bãi hôn nếu Armand cứ tiếp tục lối sống này. Tương lai của một đứa vốn chẳng hề khiến con phật lòng ... hiện nằm gọn trong tay con ... liệu con cậy quyền và nỡ lòng nào cả gan phá nát cái tương lai ấy? Marguerite ạ, bác xin con ban cho bác cái hạnh phúc của con gái bác; nhân danh tình yêu và lòng hối cải của con." (vous étiez parti depuis une heure quand votre père se présenta ... de l'impression que me causa son visage sévère ... votre père était imbu des vieilles théories qui veulent que toute courtisane soit un être sans coeur, sans raison ... votre père m'avait écrit une lettre très convenable pour que je consentisse à le recevoir ... il y eut assez de hauteur, d'impertinence et même de menaces ... et il finit par se rendre à l'évidence et me tendre la main, en me demandant pardon ... votre père ... continua ... mon enfant, ne prenez pas en mauvaise part ce que je vais vous dire ... vous êtes bonne et votre âme a des générosités inconnues à bien des femmes ... vous êtes jeune, vous êtes belle ... vous êtes noble et le souvenir d'une bonne action rachètera pour vous bien des choses passées ... enfin, mon enfant, sachez tout car je ne vous ai pas tout dit, sachez donc ce qui m'amenait à Paris. J'ai une fille ... jeune, belle, pure comme un ange ... ma fille va se marier ... elle entre dans une famille honorable qui veut que tout soit honorable dans la mienne. La famille de l'homme ... m'a déclaré reprendre sa parole si Armand continuait cette vie. L'avenir d'une enfant qui ne vous a rien fait ... est entre vos mains. Avez vous le droit et vous sentez-vous la force de le briser? Au nom de votre amour et de votre repentir, Marguerite, accordez-moi le bonheur de ma fille).

Triết lí "danh giá" cổ thời đông tây đã được mô tả rõ rệt qua đối thoại sắc bén giữa các nhân vật chính trong truyện; được các biên tập gia và đạo diễn bản xứ lấy đại ý từ nguyên văn cốt truyện mà trau chuốt cho thêm phần phù hợp với văn hóa Việt và cho thêm phần nhuận sắc. Với tác phẩm trứ danh bất tử "La Dame Aux Camélias", văn hào Alexandre Dumas (fils - con) đã chứng tỏ tinh thần cao quí ẩn tàng trong những con người vốn luôn bị xã hội đương thời ấy (và cả hiện thời) khinh thị một cách đầy thành kiến sai trái và đầy bất công. Tác phẩm ấy khiến giới bình luận gia văn học thế giới đánh giá tài năng của tác giả còn vĩ đại hơn cả Alexandre Dumas (Père - Cha); cũng là một văn hào Pháp.

Lịch sử là bằng chứng cho thấy trong chế độ VNCH nhân bản trọng văn hóa của miền Nam Việt Nam, văn chương và điện ảnh luôn song hành trên con đường nghệ thuật sánh ngang vai với nghệ thuật quốc tế để nhân văn được phát huy, nhân quần xã hội được thưởng lãm và triết lí nhân sinh được thể hiện qua kiệt tác; bất chấp hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc điêu linh kéo dài. Trên bước đường tỵ nạn gian khổ; dù chỉ mới tạm ổn định và hội nhập nơi xứ người khắp nơi chưa được một thập niên, người Việt gốc VNCH miền Nam vẫn không quên thể hiện tầm vóc của trí tuệ và chiều sâu của nhân vị qua sinh hoạt văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng.

(Trà Hoa Nữ Ánh Hoa và Armand Duval La Thoại Tân)

Phim "Trà Hoa Nữ" do Ánh Hoa Điện Ảnh sản xuất năm 1984 tại thủ đô tỵ nạn Little Saigon ở Nam California là điểm son sáng ngời đáng khích lệ; đồng thời cũng là nỗ lực về văn hóa vượt bậc đáng ca ngợi. Nghệ sĩ La Thoại Tân (vai Armand Duval) định cư năm 1975 vốn nổi tiếng qua nhiều phim xuất sắc đóng trước 1975 cũng là tác giả của nhiều video, CD phim bi, hài kịch ở hải ngoại. Ông là nghệ sĩ tài hoa với lập trường quốc gia hoàn toàn không lay chuyển. Một trong những tác phẩm hài chế diễu bản chất chế độ cộng sản ba hoa khoác lác là một CD phát hành cuối thập niên 1970 ở quận Orange; qua đó, ý nhị nhất là mục "cán ngố" khoe ở miền Bắc XHCN "cái gì cũng có": TV, frigidaire "chạy đầy đường", món cà-rem "ăn không hết phải đem phơi khô"; và khôi hài nhất là món "cà chớn" thì "khắp miền bắc đều nhan nhản"! Chín năm (1975-1984) chưa hẳn đã là thời điểm của sự ổn định đối với ông và các diễn viên khác đóng trong phim vì con cái họ vẫn chưa trưởng thành. Thậm chí nghệ sĩ Hùng Cường khi đóng phim "Trà Hoa Nữ" này cũng chỉ mới chân ướt chân ráo từ trại tỵ nạn Pulau Bidong (Malaysia) đến định cư năm trước đó 1983!

Tiếc thay, phim "Trà Hoa Nữ" dạng video tape của Ánh Hoa Điện Ảnh do trung tâm Thanh Lan phát hành năm 1984 đã bị tuyệt bản trước khi kịp chuyển sang dạng DVD thịnh hành sau này; và trước khi làn sóng công dân VNCH tỵ nạn tiếp tục sang các nước tự do dân chủ định cư qua các chương trình HO, ODP, con lai ... kịp có dịp thưởng ngoạn. Một số diễn viên đã trở thành người thiên cổ. Lễ tưởng niệm của họ khá trang trọng và được tường thuật khá đầy đủ trên internet. Các diễn viên phụ khác chắc đã về hưu sau khi đóng thêm một số phim kịch khác; nhưng nhân vật chính Ánh Hoa (vai Marguerite Gautier) kiêm giám đốc trung tâm thì nay không rõ trôi dạt phương nao??

HÀ BẮC
(tham khảo tài liệu video, DVD của AHĐA và VPV; của Bernard Raffalli và internet)

No comments:

Post a Comment