Đọc
bài báo của ký giả Lâm Văn Sang (LVS) trên tuần báo VTimes số 31, ngày 29 tháng
12-2006, tôi mở đầu bài viết này từ hơn một tháng qua, do bận với công việc tại
tòa soạn Nguồn cho tạp chí Nguồn số Xuân ra kịp, nên bài viết này cách bài viết
của ông LVS khá xa.
Ký
giả Lâm văn Sang với người viết là chỗ quen thân đã trên dưới mười năm. ông là
một ký giả được nhiều người tại San
Jose biết đến qua mục “Sổ Tay Cộng Đồng” của tuần báo
Việt Mercury do ông Trần Đệ làm chủ nhiệm. Việt Mercury đình bản, Ông Trần Đệ
ra tờ VTimes đứng tên Chủ nhiệm, ông Lâm
Văn Sang Tổng Thư ký, giữ tiếp mục “Sổ tay cộng đồng” trên tờ báo này.
Do
cách viết của một cây bút có khi rất thẳng thắn, có khi bị cho là thiếu trung
thực nên trước đây ông LVS từng gặp phản ứng của một số độc giả và một vài nhóm
khi họ không vừa lòng với bài báo. Cái chuyện không vừa lòng này xẩy đến với
Ông LVS nhiều lần, nhưng cũng là chuyện thường tình đối với một nhà báo trước
dư luân của số đông.
Bài
viết của Ông LVS mà tôi đề cập ở đây có tựa đề:
“Màu
xanh trong thơ siêu thực Hải Phương”.
Tôi
lấy làm ngạc nhiên, buộc phải suy nghĩ và nói ra như một ý kiến thảo luận, khi đọc đoạn văn
ông LVS viết: “San Jose
từ lâu nay đã trở thành một xí nghiệp thơ, sản xuất ra những vần điệu nghiêm
chỉnh đóng thành tập”.
Theo
cách viết đó, người ta hiểu rằng chỉ có loại thơ siêu thực, thơ không vần, thơ
cách tân mới đáng gọi là thơ. Vì vậy ông LVS đã không tiếc lời, tiếc chữ ca
tụng sự tâm đắc của ông với loại thơ siêu thực như sau:
“Không
phải mọi thứ được in ra đều là tuyệt phẩm”, ...Từ lâu lắm tôi mới được đọc một
tập thơ như CƠTGBBNEC (Cảm ơn tháng giêng biêng biếc ngực
em cười) của Hải Phương”.
Hẳn
bạn đọc và những người làm thơ, yêu thơ đã từng (hơn một lần) đọc một, hai, ba
bài thơ siêu thực, thơ cách tân, thơ dung tục và đã cảm nhận được “cái hay, cái
đẹp” của nó như thế nào so với loại thơ vần trong Truyện Kiều, trong Cung oán
Ngâm khúc, trong thơ của Vũ Hoàng Chương, của Xuân Diệu...
Lâu
nay người ta đã bàn luận nhiều đến Thơ Vần và thơ không vần, một đề tài đã “xưa
như trái đất”, nhưng xem ra vẫn luôn luôn mới, bởi bộ môn Thơ là một phần của
đời sống tinh thần trong sinh họat văn học nghệ thuật của nhân loại. Ở Pháp vào
thời vua Louis 14 đã có những thi đàn do các nhà quý tộc lập ra để giới trí
thức lịch duyệt, được nhà vua nể trọng họp nhau nghe thơ, bàn luận về thơ và để
đánh giá mà thừa nhận danh xưng thi sĩ cho những người xứng đáng. Ở Trung Hoa,
vào thời thịnh Đường, nhiều nhà thơ không chấp nhận những ràng buộc của Khổng
giáo như Đào Tiềm, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên... đã để lại
hàng ngàn bài thơ cho gia tài văn học Trung Quốc.
Đó
là loại thơ vần mà văn học Việt Nam
coi như kế thừa đã mấy nghìn năm. Chúng ta không bao giờ chấp nhận sự “kế thừa”
này, vì vậy Thơ Đường đã bị trào lưu thơ Mới đẩy lùi vào bóng mờ của dĩ vãng.
Hoài Thanh đã gọi đó là “một cuộc cách mạng thi ca (đã nhóm dậy vào tháng 3
-1932) ”.
Văn
học, thi ca cũng như khoa học luôn luôn đòi hỏi con người đi tìm cái mới, cái
hay, cái hoàn mỹ, hoàn thiện hơn. Người
ta thấy sự thay thế vị trí của thơ - từ cũ sang mới - sau thời kỳ Tự Lực Văn
Đoàn cho đến thời kỳ văn học miền Nam (1954-1975), nhưng dù là cũ hay mới thì
thơ vẫn là thơ vần, với đầy đủ tính nghiêm chỉnh của vần điệu, của nhạc tính,
của thi tứ và thi ngữ.
Thời
kỳ thăng hoa của thơ Việt có lẽ phải kể là vào thời kỳ này với Thi Văn Tao Đàn,
với các giải thơ toàn quốc. Ngay cả một số nhà thơ ở miền Bắc sau thời kỳ thơ
mới như Hoàng Cầm với Bên Kia sông Đuống, Hữu Loan với Màu Tím Hoa Sim, và các
nhà thơ khác trong Nhân Văn, Giai Phẩm đều là những nhà thơ mới, đều có làm
những bài thơ phá thể, thơ tự do nhưng nhạc tính và vần điệu vẫn rất hoàn
chỉnh, vẫn có thể đọc, có thể ngâm để mà cảm nhận, mà thưởng thức.
Cùng
lúc với Thơ Mới chiếm lĩnh vị trí trong thơ Việt, thơ mới “giành được quyền
sống”; thơ cũ “mất quyền sống” trong làng thơ, cũng là lúc có những người phỏng
theo thơ Pháp làm thơ tự do, thơ phá thể, thơ không vần, nhưng không phổ biến
nhiều, không lớn lên được, và không thể tồn tại. Mãi đến sau năm 1954, sau cuộc
di cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam, Thanh Tâm Tuyền là người chủ
trương khuynh hướng sáng tác thơ tự do, được nhóm Sáng Tạo hưởng ứng và cổ vũ.
Từ đó cho tới nay, sau hơn nửa thế kỷ thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền vẫn là...
của Thanh Tâm Tuyền, chưa bao giờ nhân rộng ra thành một trường phái có tác
phẩm hẳn hòi. Người ta thừa nhận cái công của Thanh Tâm Tuyền hô hào cho khuynh
hướng thơ tự do, nhưng không ai thừa nhận cái thành công của khuynh hướng này.
Nhà
thơ Hà thượng Nhân, một nhà thơ kỳ cựu trong làng thơ miền Nam, có lần cho
chúng tôi biết, trong một lần ông được mời vào Ban giám khảo chấm thi một giải
thơ toàn quốc (VNCH), khi biết trong số các tác giả được đề nghị có Thanh Tâm
Tuyền, ông đã nói với Vũ Hoàng Chương và Cao Tiêu xin từ chối vào Ban Giám
Khảo. Ông Hà vẫn thường nói với chúng tôi: “Ai bảo Thanh Tâm Tuyền là nhà thơ,
là thi sĩ, dù ông ta là một người có kiến thức, có tài...”
Trở
lại với bài viết của Ông Lâm Văn Sang trên VTimes số 31, quả thật tôi không
hiểu được lý do gì đã gây nên cái cảm giác “bất an” cho tác giả bài báo, khi
ông viết:
“Những
người làm thơ khác ở San Jose
(và một phần khác ở hải ngoại, những người có dịp ghé qua thành phố này ra mắt
sách của họ), những thi tập khác (cá nhân hay tập thể) vẫn tạo cho tôi cảm giác
bất an”.
Chúng
ta biết ở hải ngoại và cả trong nước hiện nay thơ đã lạm phát đến mức báo động,
nhưng thực ra chẳng hề hấn gì. Ít năm trước thời kỳ thơ mới, tờ “Đông Pháp” ở
Hà Nội mở cuộc thi thơ đã có đến 1.500 người dự thi. Hồi đó Hoài Thanh đã tự
hỏi: “nước ta có bao nhiêu thi sĩ? 40 ngàn hay 400 ngàn? và ông cho biết 4.000
người có thơ đăng báo, in sách nhưng có chừng 40 người có thơ đưa vào “Thi Nhân
Việt Nam”.
Số 4.000 hay 40 ngàn hay 400 ngàn người làm thơ thời đó đến nay không ai biết
tên tuổi họ (ngoại trừ một số trong “Thi nhân Việt Nam”). Và trong con số 40 người đó
cho tới nay cũng chỉ một số ít người đi vào văn học, đếm được đầu ngón tay,
được người đời nhắc đến.
Sự
sàng lọc, đào thải của thời gian và công luận, của ngườiø đọc là một “cán cân
công lý” vô tư nhất.
Tiếp
đến, ông LVS viết: “Chúng ta vẫn tự hào một cách chung chung về chuyện đã mang
cả sinh hoạt văn hóa (văn học nghệ thuật) của miền Nam ra hải ngoại và từ đó đã tiếp
tục phát triển sinh họat này. Tin tưởng như thế và tiếp tục bịt mắt mình, chúng
ta đã đi một đoạn đường khá dài, hơn 30 năm”.
Không
rõ tác giả bài báo đã có hay sẽ có chương trình, đề án nào cho sinh hoạt và
việc nối dài của VHNT miền Nam
ở hải ngoại? Và ông LVS cũng dư biết tất cả mọi sinh hoạt chính trị, văn nghệ,
văn chương học thuật ở hải ngoại đều là những hoạt động tự phát của từng nhóm,
từng hội đoàn, tùy theo khả năng và tấm lòng của họ đối với nghĩa lớn của cộng
đồng, của dân tộc, mà phần lớn đều cùng một hoàn cảnh là lực bất tòng tâm.
Người đọc bài viết của Ông LVS dù vô tư đến mấy cũng cảm thấy bị xúc phạm, khi
mình bị gán ghép cho hành vi “tự bịt mắt” với thái độ “tự hào chung chung”.
Có
phải tác giả bài báo cho rằng “Tự bịt mắt mình” nghĩa là mù quáng, là không
nhìn về phía trước mà đi tới, dù phía trước đó là cái gì, là nơi chốn nào. Cứ
đi tới, đừng nhìn lại quá khứ, vứt bỏ hết quá khứ, dù quá khứ đó như thế nào.
Trong khi người sáng tác lại rất cần chất liệu của quá khứ để viết, để suy gẫm
và để rút tỉa làm bài học cho chính mình và cho người đi sau. Tôi tin trong
chúng ta không ai tán thành việc tiếc nuối quá khứ, khóc than dĩ vãng. Không ai
chủ trương hằn học hận thù với quá khứ, nhưng nhất định không ai có thể quên
được quá khứ. Quá khứ chính là vốn sống của hiện tại, là bài học lớn và là kinh
nghiệm cho hướng đi trong tương lai.
Một
đoạn khác trong bài báo:
“Đọc
thơ ở đây, người ta sẽ kinh hoàng chợt nhận ra thế giới thơ từ 1975 cho đến
trước đó, năm 1954, đã bị xóa trắng một cách oan uổng.”
Thật
tình, tôi không hiểu ý của tác giả bài báo muốn nói gì về nhận định này.
“Thế
giới thơ từ 1975 cho đến trước đó, năm 1954” mà ông LVS nói đến là thế giới
những gì? Theo sự hiểu biết thô thiển của tôi thì “thế giới thơ” từ năm 1954
đến 1975 là một “thế giới” thơ của hai ba thế hệ người làm thơ Bắc (di cư) Trung, Nam,
phong phú và đa dạng cả về nội dung tư tưởng đến hình thức. Nói đến “thế giới
thơ” miền Nam là nói đến Thi Văn Tao đàn, đến các giải thi thơ toàn quốc, đến
các thi văn đoàn và không thể không nói đến những tên tuổi như Quách Tấn, Á Nam
Trần Tuấn Khải (thơ Đường), Vũ Hoàng Chương Đinh Hùng, Tạ Ký, Bùi Giáng, Tô
Thùy Yên, Hà Thượng Nhân, Trần Tuấn Kiệt, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Diên Nghị, Tuệ
Nga, Quỳ Hương... Thơ tự do có Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp...
Sau
75 “thế giới thơ” đó đã bị chế độ XHCN với văn hóa Mac-xit xóa trắng một cách
không thương tiếc ở trong nước. Vũ Hoàng Chương ra khỏi tù, mấy ngày sau qua
đời. Tạ Ký chết bụi chết bờ, Hồ Điệp chết trên đường vượt biên. Tác phẩm của họ
bị cho là sản phẩm văn hóa đồi trụy, bị cấm đọc, cấm lưu truyền, cấm lưu trữ...
Đó mới chính là sự xóa trắng đáng kinh hoàng, chứ ở hải ngoại người ta vẫn trân
trọng, vẫn đọc và vẫn kế tục trong sáng tác, trong lưu hành, và phổ biến.
Có
phải cái “xóa trắng” mà tác giả bài báo muốn nói là từ sau 75, ra hải ngoại, và
riêng tại San Jose không ai nối nghiệp Thanh Tâm Tuyền, không phát động trào
lưu sáng tác thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ không vần? Có phải vì suy nghĩ như
vậy mà ông LVS giáng bút một cách chủ quan và mỉa mai rằng: “San Jose từ lâu nay đã trở thành một xí
nghiệp thơ, sản xuất ra những vần điệu nghiêm chỉnh đóng thành tập”.
Một
ý niệm rất đơn giản mà phổ quát đã có từ xa xưa là khi nói đến thơ là nói đến
vần điệu. Từ xưa nay, một câu nói, một đoạn viết mà không có vần có điệu thì
không ai gọi là thơ.
Tuân
Tử trong thiên Nho Hiệu đã phân biệt Thi (là thơ) với Thư (là văn xuôi). Với sự
phân định rạch ròi đó, trong văn học cổ Trung Hoa có hai bộ sách - Kinh Thi và
Kinh Thư.
Một
số người ngày nay hoặc do không phân biệt được, hoặc do quá dễ dãi, thường nói
“viết thơ cho gia đình”, “đi lấy thơ ở bưu điện”, thay vì nói viết thư, đi lấy
thư... nhưng một người hiểu biết bình thường không ai lầm lẫn giữa thư và thơ;
giữa văn xuôi và văn vần.
Như
một nguyên tắc bất di bất dịch, từ lâu đời: Thơ không phải/và không thể là văn
xuôi; Thư không phải/và không thể là văn vần. Nay khuynh hướng thơ cách tân,
thơ siêu thực, thơ dung tục muốn làm một cuộc “cách mạng” thi ca bằng cách tạo
ra một loại thơ tối nghĩa, không vần, không điệu, một mớ chữ nghĩa xà bần,
thanh ít tục nhiều, nhằm biểu lộ hoặc để thỏa mãn tính lập dị, khoa trương kiến
thức, đem chữ nghĩa ra thách đố người đọc, mà có khi chính người làm ra bài thơ
đó cũng không hiểu mình muốn nói gì.
Bạch
Cư Dị của Trung Hoa cách đây hơn 1.100 năm lúc làm xong một bài thơ, đọc cho
người vú già nghe rồi hỏi: “Có hiểu không?”. Nếu đáp “hiểu” thì ông mới chép
lại (bằng không thì vứt bỏ).
Xin
quý vị nhà thơ cách tân trước khi đạp đổ cái cũ (thơ vần) hãy từ trong cái cũ
bước ra, ít nữa phải là một người đã từng sành sỏi thơ vần và hãy chỉ ra cho
mọi người biết và hiểu được cái hay cái dở của cái vần và cái không vần.
Trích
dẫn lời nói của nhà văn Ba Lan Witold Gombrowicz “văn chương không phải là một
xí nghiệp, cũng không phải là một sản phẩm xí nghiệp”, bài báo viết tiếp “Không
phải mọi thứ được in ra đều là tuyệt phẩm”, và trước đó ông viết: “Từ lâu lắm
tôi mới được đọc một tập thơ như CƠTGBBNEC (Cảm ơn tháng giêng biêng biếc ngực
em cười) của Hải Phương”.
Ý
kiến này của tác giả bài báo cho người ta cảm tưởng tập thơ của Hải Phương
không là tuyệt phẩm thì cũng là một thi tập vượt lên trên tất cả những tập thơ
khác, “từ lâu lắm”.
Tôi
hoàn toàn không có ác cảm nào với cá nhân các “nhà thơ cách tân, siêu thực”,
cũng mong quý vị thực hiện thành công cuộc “cách mạng thi ca” mà quý vị chủ
trương. Riêng loại thơ dung tục thì xung quanh tôi rất nhiều người tỏ ra ngại
ngùng khi liếc mắt tới loại thơ trần truồng giả hiệu này. Dư luận chung cho
rằng cũng chỉ vì muốn mua chút danh bằng tính lập dị, không giống ai, một số
người đã tạo ra một loại “dâm thư” qua thơ, một cách bệnh hoạn. Tôi gọi đó là
loại thơ trần truồng giả hiệu, bởi vì tôi tin một cách chắc chắn rằng quý vị
“nhà thơ dung tục” ấy chỉ bày biện chữ nghĩa trần truồng lên giấy, nhưng không
bao giờ dám bày những thứ đó trước mặt gia đình, con cái, thân nhân, người quen
kẻ lạ... Chỉ khi nào quý vị ấy trút bỏ hết y phục, bày mọi thứ... ra trước
thiên hạ như quý vị đã viết ra trên giấy thì bấy giờ loại thơ kia mới có “cầu
chứng” (với tác giả của nó).
Thử
hỏi nếu gia tài thi ca Việt Nam từ Cung Oán Ngâm khúc, rồi Chinh Phụ ngâm khúc
đến Truyện Kiều, sang tới thi ca thế kỷ 19 cho đến tận thời kỳ thơ Mới của Tự
Lực Văn đoàn và “thế giới thơ miền Nam” mà tất tất đều là “thơ cách tân”, thơ
“tân hình thức”, thơ siêu thực thì văn học Việt Nam ngày nay sẽ ra sao? Và nếu
hôm nay thơ siêu thực thay thế toàn bộ thơ “vần điệu nghiêm chỉnh” thì các thế
hệ sau này làm thế nào để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi? Hay đến lúc bấy giờ
tất cả mọi người đều đã trở thành những “siêu nhân”, có thể đọc và hiểu được
thứ ngôn ngữ thần chú, huyền bí, hiểm hóc ấy! Giả dụ vị khai quốc công thần Lý
Thường Kiệt làm bốn câu tứ tuyệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” bằng loại thơ
cách tân siêu thực thì đã có được tác dụng gì với lòng dân, với triều đình nhà
Hán, và còn tồn tại đến ngày nay không?
Có
thể là quá đáng, trong khi tác giả bài báo hết lời tán tụng tập thơ “siêu thực”
có tên “cám ơn tháng giêng biêng biếc ngực em cười” của Hải Phương thì ông lại
nặng lời với những người làm thơ khác ở San José một cách đáng tội: “Nhiều
người khác ở đây (San Jose) cũng móc gan ruột ra tuyên bố tương tự như một nhãn
hiệu cầu chứng cho những gì phát xuất từ 1954 cho đến 1975 mới là chính hiệu”.
Tôi
cư ngụ tại San Jose đã gần mười lăm năm nay, từng theo dõi mọi sinh hoạt thơ
văn trong vùng nhưng chưa bao giờ nghe ai “móc gan ruột ra” tuyên bố như vậy
“để làm cầu chứng” như bài báo gán ghép.
Một
đoạn văn khác xin trích dẫn:
“Kế
thừa là chuyện dễ nói hơn dễ làm trong văn chương nhắm mắt và bịt mắt. Thế giới
thơ ở San Jose đã không tiếp nối trào lưu sáng
tác thơ đa dạng ở miền Nam
trước 1975. Đọc thơ ở đây, người ta sẽ kinh hoàng chợt nhận ra thế giới thơ từ
1975 cho đến trước đó, năm 1954, đã bị xóa trắng một cách oan uổng”.
Thật
tình tôi không hiểu thế nào là “văn chương nhắm mắt và bịt mắt”.
Phải
chăng văn chương mở mắt là loại văn chương siêu thực, cách tân, dung tục mà tác
giả bài báo dẫn dụ người đọc với “Màu xanh trong thơ siêu thực Hải Phương”, khi
ông đưa ra kết luận: “Hải Phương đang làm sống lại ngôn ngữ thơ Việt Nam
qua CƠTGBBNEC”.
Một
nhà thơ nữ nói với người viết: “đọc thơ HP, đọc câu này của LVS ngẩn ngơ hết
biết”.
Không
ai có quyền bắt buộc một người khác thích cái này hay không thích cái kia. Một
bức tranh đối người này cho là đẹp, người kia phê bình là xấu. Một bài thơ
người này khen hay, người khác chê dở; một thiếu nữ đi ngang qua, người này
khen là đẹp, duyên dáng, người kia cho là “thường”.
Cũng
vậy, môt người có thể cảm khoái với loại tranh lập thể, trừu tượng, nhưng xin
đừng quay sang chỉ trích trường phái “cổ điển” mà cho rằng (ví dụ): “San Jose
lâu nay đã trở thành một xí nghiệp tranh vẽ, được lắp ráp cảnh trí với chân
dung nghiêm chỉnh, dùng sơn màu và cọ đưa lên khung vải...”. Như thế có ổn không?
Theo
tôi, ranh giới giữa các trường phái nghệ thuật cũng như giữa thơ siêu thực và
thơ vần có hai dạng thái rõ rệt
San Jose 2-2007
No comments:
Post a Comment