Thursday, November 8, 2018

Một Ý Kiến Về


Giới Thiệu Tác Phẩm & Phê Bình Văn Học 


Như có lần tôi đã trình bày trong một trang viết đăng trên tạp chí Nguồn số 54 về sự tương quan như thế nào giữa việc giới thiệu một tác phẩm và bộ môn Phê Bình Văn Học.

Xin thưa, viết tựa cho một quyển sách hay giới thiệu một tác phẩm là một việc làm mang tính ước lệ. Người viết thường trích dẫn từ trong sách những đoạn văn, những câu thơ ưng ý để minh họa cho nhận định mà mình đồng cảm, tâm đắc với tác giả. Người giới thiệu tác phẩm thường có vai trò khác với độc giả của tác phẩm đó – nghĩa là không làm công việc bình phẩm khen chê.

Về bộ môn thơ, có một nhận định chung là tất cả các tập thơ - của bất kỳ tác giả nào, không phải toàn bộ thi phẩm đều là những bài thơ có cùng phẩm chất. Và rằng một người làm hàng trăm bài thơ, có được năm, ba bài; hoặc năm, bảy câu thơ được người đời nhắc nhở, truyền tụng thì đó là một tác giả thành công và là một nhà thơ thành danh.
Người thưởng ngoạn thơ, khi đọc một bài thơ, một tập thơ, cảm xúc của người đọc sẽ hòa lẫn vào cảm xúc của người viết. Tác giả truyền dẫn tâm sự của mình vào tâm hồn người đọc nếu bài thơ được viết ra từ rung cảm, từ sự trăn trở, từ nỗi niềm tận đáy lòng mình. Ngược lại là những bài thơ khó làm rung động lòng người, dù bài thơ vẫn nghiêm chỉnh ngữ nghĩa, vần điệu, niêm luật.

Người đọc tác phẩm và giới thiệu đến độc giả tác phẩm đó rất khác với công việc phê bình tác phẩm. Người giới thiệu tác phẩm cũng có vai trò như một độc giả, đọc và thưởng thức nội dung tác phẩm rồi lượm lặt ra những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ tâm đắc, ưng ý mà viết ra, nói ra chia sẻ với người khác.

Người giới thiệu tác phẩm không làm công việc của nhà phê bình: tìm tòi, phân tích những cái hay, cái dở trong từng câu từng đoạn - văn cũng như thơ. Và sau cùng có thể định hình một cách khách quan giá trị nội dung của tác phẩm. Nhờ đĩ tác giả có thể nhìn nhận (hoặc phủ nhận) ý kiến của nhà phê bình, một cách không chủ quan, để hoàn chỉnh lại tác phẩm của mình. Và độc giả cũng nhờ đó mà tìm được những tác phẩm ưng ý.

Bộ môn phê bình văn học đã bị bỏ trống từ nhiều thập niên ở trong nước và hoàn toàn thiếu vắng ở hải ngoại.

Từ thời Đệ nhất Cộng Hòa, sau Bản tuyên bố trong cuộc hội thảo về “Vấn đề phê bình văn nghệ” tổ chức ngày 15 tháng 1 - 1967 tại Chợ Lớn, với trên 250 nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả, sinh viên tham dự... cho đến nay chưa có một cuộc tập họp nào thảo luận về đề tài này. Sở dĩ người ta “tránh né” vì Phê bình văn học “chính là một nguồn dư luận, với một chủ đích nhất định, nhưng lại khó chấp nhận ở loại công chúng chủ động...” (*). Bất cứ một tác phẩm nào muốn gây được sự chú ý của dư luận và muốn được dư luận chú ý thì phải chấp nhận “bị ném đá” như câu ngạn ngữ khá phổ biến trong giới văn nghệ: “Chỉ những cây có quả mới bị ném đá”.          

Trong “Nói Chuyện Với Thơ”, Chương I – “Vai Trò Và Sứ Mệnh Của Thi Sĩ” là phần nhận định của tôi về thơ của các tác giả: Tuệ Nga, Vi Khuê, Cao Mỵ Nhân, Phan Thị Ngôn Ngữ, Cao Nguyên, Cung Diễm, Duy Năng, Hương Giang, Hàn Thiên Lương, Hà Trung Yên, Luân Hoán, Song Thi, Sương Mai, Thường Quân, Võ Ý, Vương Nhân cũng cùng “thể loại” với các tác giả viết về thơ Song Nhị.
Nói chung trong cả hai chương I và II đều có một cách viết giống nhau, đúng như tựa đề quyển sách “Nói Chuyện Với Thơ”.

Cũng vậy ở Chương II - Thơ Song Nhị - Giòng Sử Thi Buồn Của Đất Nước (*) là phần giới thiệu thơ Song Nhị của những cây bút quen thuộc như: Trần Tuấn Kiệt, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Thùy, Diên Nghị, Hồng Vũ Đông Sơn, Phan Bá Kỳ, Diệu Tần, Hà thượng Nhân… mà không phải là Phê Bình Văn học. Các tác giả chỉ lượm lặt ra những câu thơ, ý thơ hay, cốt lõi để giới thiệu…

Tuy nhiên, là những người cầm bút (tự trọng), chúng tôi chịu trách nhiệm về những bài viết của mình trước dư luận. Trong phần viết về thơ Phan Thị Ngôn Ngữ, tôi có lời bộc bạch như sau:
“Tôi không có ý cường điệu khi đưa ra nhận định này. Tôi không viết cho tôi và cũng không phải viết cho tác giả. Sự khen chê thiếu vô tư trong sáng sẽ là điều lố bịch”. (trang 200)

Nhân dịp ấn ấn hành tác phẩm này, đây là lúc tôi có cơ hội được nói lời cảm tạ tấm thịnh tình của các nhà văn, nhà thơ trong Chương II đã ưu ái dành cho tôi những bài nhận định công phu sắc bén về Thơ Song Nhị.

Đây cũng là dịp tôi được nói lời cảm tạ đến các Nhạc sĩ đồng cảm đã đem thơ Song Nhị lồng vào dòng nhạc của các bạn. Số nhạc phẩm tôi có khá nhiều, nhưng cho tới nay chỉ mới thực hiện được một CD “12 Tâm Khúc…”.

Có một số bản nhạc của các nhạc sĩ Tô Dương Tử (Saigon 1969) và NS Hiếu Anh (Hoa Kỳ) đã qua đời, cùng một số bản nhạc khác bị thất lạc nên không có để in vào trong sách. Xin tạ lỗi. Nay các bạn đã ra người thiên cổ. 

Sau cùng xin được nói lời cảm tạ đến các nhà thơ đã ủy thác cho Cội Nguồn xuất bản tác phẩm để tôi có dịp được đọc và viết về thơ của quý bạn.

Xin cảm ơn nhạc sĩ trần Hưng Nguyên, người bạn tù và cũng là bạn văn nghệ đã nhiệt tình giúp tôi trong phần kỹ thuật thực hiện CD và các bản nhạc.
Sau hết, tôi xin cáo lỗi với một số nhà thơ khác như Ngân Phi Thư (Australia), Việt Bằng, Duy An Đông, Ngô Đức Diễm, Kha Lăng Đa, Mạc Phương Đình, Mặc Lan Đình, Lê Nguyễn…. mà bài viết của tôi về thơ của các bạn phần bị thất lạc, phần chưa hoàn chỉnh nên không in được trong quyển sách này.

Một số bài viết về các tác phẩm văn/truyện của các tác giả khác sẽ in trong tập “Khoảnh Vườn Văn”, đã hoàn tất bản điện tử và đang chờ đợi... được ấn hành.

Song Nhị, 4/2014


----------------------------
(*) Những nghịch lý của phê bình - Lại Nguyên Ân



No comments:

Post a Comment