Thursday, January 25, 2018

65 NĂM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT / 1953 - 2018



65 NĂM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT 
1953 - 2018

Trong suốt dọc dài lịch sử VN (ngoại trừ cuộc chiến Nam Bắc 1955-1975) có hai biến cố làm tổn hại nhân mạng nhiều nhất, đó là cuộc CCRĐ và Cuộc Thảm Sát mậu thân 1968.
Theo bộ “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945 - 2000” do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2004, số người bị đấu tố lên đến 172.008 người, và sau giai đoạn sửa sai xác định trong tổng số đó có đến 132.266 người bị oan.

PHÓNG TAY PHÁT ĐỘNG
CUỘC KHỦNG BỐ TRẮNG BẮT ĐẦU

Tại vùng Nghệ Tĩnh, năm 1953-54 đảng Lao Động ban hành chủ trương “Phóng tay phát động phong trào truy tô”, tiếp diễn ráo riết tới năm 1955, kế đến là phong trào Cải Cách Ruộng Đất. Luật CCRĐ được phổ biến và học tập rộng rãi, dân chúng được cán bộ giải thích:

Thành phần địa chủ là những người làm chủ ruộng đất, không lao động sản xuất, phát canh thu tô, ăn không ngồi rồi, chỉ tay năm ngón, ức hiếp bóc lột nông dân.


Địa chủ được phân loại:

- Địa chủ cường hào
- Địa chủ cường hào gian ác
- Địa chủ phản động cường hào gian ác
- Địa chủ phản động cường hào đại gian đại ác.

- Địa chủ kháng chiến: là những người có góp công và có mua công khố phiếu, công trái, có góp gạo nuôi quân; hoặc có con đi bộ đội, hay làm cán bộ.
- Địa chủ giác ngộ, là những người chấp hành chính sách của đảng và nhà nước tại địa phương.

- Phú nông, là thành phần có ruộng đất, tự lao động sản xuất, hoặc có phát canh, đổi công, vừa đủ ăn, không dư thừa bao nhiêu. Thành phần này được liên kết với thành phầntrung nông, không bị đấu tố.
- Trung nông, là những gia đình có ruộng đất tự lao động sản xuất, có đổi công. Gia đình đủ ăn, hoặc thiếu ăn vài tháng trong năm. Trung nông được liên kết với nông dân để đấu tố địa chủ.
- Bần nông, là những gia đình có một ít ruộng đất tự lao động sản xuất mà không đủ ăn phải làm nghề khác để sống.
- Cố nông, là những người không có ruộng đất, không có dụng cụ sản xuất, phải đi ở đợ hoặc làm thuê cho địa chủ suốt đời.

Luật CCRĐ ghi rõ “thành phần bần cố nông là nòng cốt liên kết trong cuộc đấu tranh với địa chủ”. 
Tháng 5-1955 đoàn CCRĐ về huyện, đội CCRĐ về làng xã, chiếm giữ trụ sở UBND huyện, xã. “Đội” vào nhà một bần cố nông nào đó, cùng ăn, cùng ở, cùng làm để thực hiện công tác. Thời kỳ ấy khắp nơi có câu truyền miệng “nhất đội nhì trời”. 

 “Ông đội” lựa chọn, liên hệ “bắt rễ xâu chuỗi”, lập thành một đội ngũ bần cố nông hết lòng nhiệt tình, trung thành với “ông đội” và hăng say bịa đặt, tố giác những hành vi “ác ôn tày trời” của địa chủ, mặc dù chỉ mới mấy tháng trước còn sống nhờ vả, thân tình nương náu. Những người trong khâu “chuỗi rễ” ngày đêm được ông đội un đúc, tuyên truyền tội ác của địa chủ, gây căm thù giai cấp sâu sắc giữa địa chủ và nông dân. [Trần Kim Tần - sđd.]


Cuộc CCRĐ diễn ra khi người dân chưa kịp hoàn hồn sau 10 năm chiến tranh chống Pháp. Với chủ thuyết đấu tranh giai cấp, biến toàn dân thành kẻ bần cùng vô sản, tình tự dân tộc, giềng mối xã hội chỉ một sớm một chiều đã hoàn toàn tan rã. Truyền thống đạo đức, nhân từ bị thay thế bằng hận thù, bạo lực, khủng bố.

Từ những ngày đầu của phong trào “Xô Viết Nghệ Tĩnh”, người dân quê tôi đã chứng kiến những tốp năm, bảy người lạ mặt đến tận thôn xóm, vào những gia đình thân hào, trí thức, những nhà có của, bắt chủ nhà ra trói lại, quấn giẻ vào bàn chân, tẩm dầu hôi đốt để khảo của.
Suốt dọc dài cuộc chiến từ 1945 đến 1954 hầu như thường xuyên xẩy ra những vụ ban đêm có người gõ cửa lôi chủ nhà ra ngoài đồng ruộng, bụi bờ dùng mã tấu chém hoặc dùng vồ đập chết, về sau thì xử bắn công khai với bản án “việt gian phản động”.

Năm 1930, bố tôi 18 tuổi, tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, lòng yêu nước nồng nàn, gia nhập đảng CS Đông Dương, Bí thư Chi Bộ xã. Sau một thời gian hoạt động, chứng
kiến các vụ ám sát, thủ tiêu những người vô tội, những vụ khủng bố, khảo của lương dân, ông ly khai đảng. Khi chi bộ đảng tan rã, ông ra làm Phó Lý cho Triều đình nhà Nguyễn để tránh bị bắt bớ. Sau tháng tám 1945, ông hoạt động trong Hội đồng Nhân dân và UBKC Hành Chánh, Mặt Trận Liên Việt xã, thư ký Hội Thân Hào, Uỷ viên Liên Việt huyện, chủ tịch Liên Việt Xã nhưng không gia nhập đảng Lao động.

Năm 1953, từ trụ sở Liên Việt, ông bị đưa về tập trung tại sân trường tiểu học Thượng Bình cùng với năm người khác, trong số có ông Võ Tá Tân, Hoàng Công Phu là hai bạn thân của bố tôi. Những người này được tuyên bố là thành phần có tội với nông dân, bị quản chế tại địa phương, tạm thời cho về nhà nhưng không ai được đi ra khỏi địa phương. Riêng ông Võ Tá Tân bị bắt đem đi. Mấy tháng sau, một “tòa án nhân dân đặc biệt”, thiết lập trên một ngọn đồi hoang vào ban đêm. Dân trong làng xã phải tới dự, kể cả những gia đình đã bị quy là địa chủ, phú nông. Nạn nhân bị tuyên án tử hình. Bản án thi hành tại chỗ. Nạn nhân bị lôi đi một quãng, bị trói cặp vào chiếc cọc tre đã dựng sẵn, mấy phát súng nổ lạc lõng giữa màn đêm đen kịt, người anh của nạn nhân tên là Võ Tá Thiều la lên một tiếng liền bị bắt trói, dẫn đi. Cả không gian nín lặng. Mùi tử khí rợn người. Đêm hôm đó tôi đi theo một người bạn học, thành phần bần cố nông, tên là Tùng để được Tùng che chở. Lần thứ hai trong đời, tôi lại nghe hai tiếng tử hình, hai người bị giết cùng họ Võ Tá. Tôi nổi da gà, run sợ, nắm chặt tay người bạn, lặng người nghe những phát súng bắn vào người bạn của bố mình, người mà tôi đã từng nhiều lần theo bố tôi đến nhà chơi, được ông bà thương mến.

(Sau năm 1975, người con trai của ông Võ Tá Tân là Võ Tá Long cùng vợ con từ Hà Tĩnh vào định cư tại vùng kinh tế mới Xuân Sơn, tỉnh Bà Rịa, khai hoang làm rẫy). Cuộc thanh trừng giai cấp này mở đầu phong trào Cải cách Ruộng đất tại xã, huyện quê tôi. Ông Võ Tá Tân là người địa chủ đầu tiên bị bắn mà không qua những lần đấu tố như các địa chủ khác sau đó.

Bố tôi, sau khi bị triệu đi “học tập” và khai báo ba tháng, được thả về địa phương chờ nhân dân xử tội.

Khẩu hiệu mà “đội cải cách” truyền đạt mệnh lệnh cho đám bần cố nông là: “Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại. Có khổ tố khổ. Ngồi tố, đi tố, đứng tố, đi đâu tố đó. Đào tận gốc trốc tận rễ...”.                                                                                                  

Những gia đình chòm xóm, láng giềng mới hôm qua, hôm trước tối lửa tắt đèn có nhau, chia nhau từng miếng trầu, đĩa dưa, nắm muối, bỗng trở nên là kẻ tử thù, không đội trời chung! Những người dân quê mộc mạc không biết tố, không tìm ra tội ác địa chủ, ông đội mớm cho những loại “tội ác tày trời” mà nông dân không tưởng tượng ra được.

Người dân quê phần đông chân chất, ít thủ đoạn, bịa đặt những chuyện không tưởng. Tất cả tội trạng địa chủ đều do Đội Cải cách biên soạn thành những bài học, những khẩu hiệu rèn luyện, ép buộc người dân quê phải nghe theo, nói theo. 

Ở quê tôi, không có báo chí và thời kỳ ấy cũng chưa có loa phóng thanh nên phương tiện “truyền thông” chỉ là hội họp. Họp liên miên hàng đêm, họp quảng đại mọi thành phần, hoặc họp riêng nông dân cốt cán. Tội ác địa chủ do “ông đội” nghĩ ra và mớm cho đám bần cố nông.

- “Chị còn nhớ tên địa chủ K không? Nó đã từng nhét con mèo vào miệng chị Út bắt nuốt, chỉ vì nó nghi chị Ut ăn cắp mấy trái bắp giống của nhà nó. Chị đã từng làm thuê cho nhà nó nhiều năm, chị chưa bị nó nhét mèo vào miệng chị hay sao?”

Thế là giữa đấu trường sau đó một người đàn bà nhảy lên chỉ vào mặt người địa chủ tên K: “Mày còn nhớ không? Hồi đó tao không kịp trả nợ cho mày, mày bắt tau đến nhà, nhét con mèo vào miệng tau bắt nuốt...” Bằng sự “giáo huấn” của “ông đội”, mọi người lúc đầu hoang mang tột độ, về sau những ai tỉnh táo, họ ngậm miệng làm thinh.

Thành phần loại khố rách áo ôm, mơ tưởng cuộc đổi đời, say mê lời hứa hẹn của “đội cải cách”, họ tha hồ bịa đặt, xỉ vả, xỉa xói vào mặt địa chủ. Không những người ngoài mà cả con cái, anh em ruột thịt.

Có một số trường hợp con đẻ, con dâu đấu tố cha mẹ; anh em ruột đấu tố anh chị, em của mình. Một số địa chủ vì sợ hãi, phẫn uất treo cổ tự tử.  Làng tôi có Bà Hoạt treo cổ chết bên mộ chồng. Ông Phan Vượng gỡ được sợi dây trói, treo cổ chết khi bị giam tại nhà một bần cố nông. Ông Phan Vượng, thường gọi là cố Đạt, bị giam giữ sau khi bị quy thành phần địa chủ. Khi bị đem ra đấu tố tại xóm (gọi là “đấu lưng”, trước khi đưa đi đấu tố ở xã), một hôm đứa con gái tên là Trung nhảy lên bục, chân co chân duỗi, một tay chống nạnh, một tay xỉa vào mặt cha mà hỏi:
- “Mày biết tao là ai không? Gia đạo này nhờ ai mà có? Cái mâm thau không đưa cho nông dân, mày để lại làm gì?”

Cố Đạt run rẫy, miệng lắp bắp:
- “Tôi đâu quên chị. Gia đạo này nhờ nông dân mà có. Cái mâm thau, hôm trước chị tới nói để lại nông dân cũng lấy mất, chị lấy đem về nhà chị rồi”.
- Cố Đạt vừa nói xong, chị Trung thẳng tay xỉa vào mặt cha, làm cố Đạt té ngửa trong khi đang bị trói thúc ké. Dưới đấu trường giữa bãi đất trống, tiếng hô “đả đảo” lác đác yếu ớt... Tối hôm đó cố Đạt tự kết liễu đời mình bằng sợi dây trói.

Vài năm sau, ngày giỗ cố Đạt, chị Trung làm mâm cỗ, cho đứa con gánh tới nhà người anh cúng cha. Giữa đường, đứa con vấp ngã, mâm cỗ đổ hết. Năm sau nữa, khi cố Đạt được trả lại thành phần Trung nông, đám giỗ mãn tang rôm rả, trịnh trọng, chị Trung cũng làm một mâm cỗ, chồng và con gánh tới ngõ nhà người anh thì đứt dây gánh, mâm cỗ đổ vỡ tan tành. Còn một bài văn tế, chị Trung nhờ người làm, đọc lên nghe ngậm ngùi ai oán, trong bài có câu, ngụ ý cố Đạt bị đấu tố xỉa xói mặt mũi bị sưng bầm:

Cảm cảnh nỗi nghĩa sinh thành, mặt tê mày tái, hổ thẹn lòng son” / “Ngậm ngùi thay công dưỡng dục, tay “cáy” chân sưng, cam đành dạ sắt”. (tiếng địa phương, cáy cũng là sưng). Mấy năm sau nhà chị Trung bị cháy rụi. Hai đứa con chết bất đắc kỳ tử, chị Trung cũng trầm mình chết ngoài sông. Một người tên là Trinh, học cùng lớp với tôi, ông bà ngoại anh này tên thường gọi là cố Mục, thông gia với ông bà nội tôi. Ông bà ngoại của Trinh bị quy thành phần địa chủ, cụ ông bị bắt giam riêng, cụ bà bị bắt giữ tại nhà một bần cố nông, một hôm đội văn nghệ thiếu nhi họp tại nhà người cố nông nơi đang giữ Bà cố Mục. Trinh lại đá vào cái chõng tre bà ngoại đang nằm rũ rượi, cố nói lớn cho mọi người cùng nghe: “Khưu, thì ra mày là địa chủ bóc lột nông

42 v SONG NHỊ  § NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM
dân. Mày đền tội là phải...”. (Khưu là tên tục bà cụ). Hôm đó tôi là người dạy múa, có mặt, chứng kiến hành vi này. Bà Ngoại Trinh nói lời rên rỉ trầm thống:
- “Trinh ơi, về mà hỏi mẹ mày. Để tao chết cho mày sống”.

Gia đình tôi sau khi bị tich thu tài sản, em gái tôi năm đó mười ba tuổi, đi hái rau, bà chị dâu tôi lén cho một cái lưỡi cuốc để xới đất, giấu dưới rổ lá rau lang, về giữa đường gặp Trinh, anh ta chận lại xốc rổ rau lên và cướp cái lưỡi cuốc.

Mấy năm sau vợ anh này sinh một đứa con trai không thành nhân. Thân hình như con ễnh ương, không có xương sống, mềm nhũn, không ngồi đứng được, chỉ nằm bẹp giữa nền nhà, không biết nói, chỉ phát âm một tiếng la duy nhất làm người nghe và đứng nhìn phải sợ.

Bà chị dâu tôi nhiều lần bị đốc thúc lên đấu tố mẹ tôi. Bọn nông dân cốt cán tay đẩy sau lưng chị tôi, miệng nói: “Chị làm dâu trong nhà nó bao nhiêu năm, chị thấy tội ác của nó rồi, chị lên tố nó trước nông dân đi...!”

Bà chị dâu tôi bước vài bước rồi quay lại đứng chỗ cũ. Bố của chị dâu tôi có người con rể lúc đó là bộ đội, (sau năm 1975, cấp bậc Đại tá) cũng bị quy địa chủ, bị bắt giam, đấu tố, chết trong tù. Người cậu ruột của chị dâu tôi là một lương y, không giàu lắm nhưng có lối sống và “cách chơi” phong nhã hơn người, nhà cửa có cổng tam quan, cây cảnh xum xuê, có ngựa cỡi. Bị quy địa chủ, ông chạy vào núi trốn mấy ngày, ý định vượt biên sang Lào, nhưng không được, trở về chạy loanh quanh như con thú bị săn đuổi, ngồi giữa ruộng lúa suốt đêm, sáng ra bị phát hiện, du kích bắt về giam. Sau đó đem ra đấu tố, kết án tử hình, bản án thi hành tại chỗ, xác lấp ở một mương nước, mấy ngày sau chó moi lên, diều hâu, quạ bay đến xỉa xói xương thịt ...

Trong ngày đấu tố toàn xã, khi đến màn “tòa án nhân dân” tuyên án xong, sau đó bản án được thi hành tại chỗ, người ta nghe tiếng súng từ những đấu trường các làng xã bốn phía tiếp nhau, âm thanh như nghẹn lại giữa bầu trời xám đục, sặc mùi tử khí.  Tại xã Phúc Ấm cạnh làng tôi, ông Hoàng Trị tên thường gọi là Cửu Hoan (cửu: chức cửu phẩm triều đình ban) cũng bị xử bắn cùng ngày. Những địa chủ khác bị án tù và tất cả đều chết trên đường dẫn tới trại giam hoặc chết trong trại, trong số này có cụ Thành, một danh y nổi tiếng, thân thiết với gia đình bố mẹ tôi.

Trong số địa chủ bị đấu tố, bắt giam ở Hà Tĩnh có cụ Nghè Nguyễn Mai, cháu bốn đời của thi hào Nguyễn Du. Năm 1954, cụ
Nguyễn Mai lúc đó đã 78 tuổi bị quy vào thành phần phong kiến, địa chủ, bị kết án 15 năm tù và bị giam ở Trại Đâng, một địa danh nước rất độc ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh và cụ đã chết mấy tháng sau khi đến đó. (tạp chí Nguồn số 59, California tháng 8/2016)

Tình cảnh con đấu tố cha mẹ xảy ra khắp các địa phương ở miền Bắc. Theo hồi chánh viên Nguyễn Văn Thân, kỹ sư thuộc Bộ Thủy Lợi miền Bắc, trước kia đã từng tham gia nhiều vụ cải cách ruộng đất, cho biết một cuộc đấu tố điển hình mà ông được dự là lần đấu tố ông Nguyễn Văn Đô, Bí thư huyện ủy tại Ô Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội. Ông Thân cho biết: “Nạn nhân Nguyễn Văn Đô là Bí thư Huyện ủy, rất có công với kháng chiến nhưng bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân đảng. Chủ tịch đoàn nóirằng ông đã lợi dụng chức vụ của đảng để hoạt động cho Quốc Dân đảng. Người đứng kể tội là một nông dân trước kia đi chăn ngựa cho ông Đô. Một cụ già khác lên tố về việc cướp đất ruộng nương, Và cô con gái của ông lên đấu tố là đã bị ông cưỡng hiếp tất cả 177 lần”.

“Đến khi ông Đô được phép lên phát biểu ý kiến nhận tội, ông đã cứng cỏi trả lời: Ông không phải là Quốc Dân đảng, ông chỉ làm việc cho Bác, cho kháng chiến mà thôi. Ông trả lời cô con gái : “Thưa bà, bà còn quên đấy, tôi đã hiếp cả mẹ bà để đẻ ra bà nữa”. Câu trả lời này làm mọi người phải bật cười và làm đấu trường mất vẻ tôn nghiêm. Chủ tịch đoàn vội vàng hô khẩu hiệu - Đả đảo tên Đô ngoan cố - để đàn áp và che lấp tiếng nói của ông. Sau đó họ không cho ông nói tiếp. Họ nghị án và quyết định xử tử ông ngay tại chỗ. Cuộc đấu tố này kéo dài từ 5g sáng tới 13g trưa mới xong». (theo Cẩm Ninh, Cuộc nổi dậy ở Nghệ An năm 1956).

No comments:

Post a Comment