Saturday, January 27, 2018

65 NĂM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT - 1953 - 2018



Trong suốt dọc dài lịch sử VN (ngoại trừ cuộc chiến Nam Bắc 1955-1975) có hai biến cố làm tổn hại nhân mạng nhiều nhất, đó là cuộc CCRĐ và Cuộc Thảm Sát mậu thân 1968.
Theo bộ “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945 - 2000” do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2004, số người bị đấu tố lên đến 172.008 người, và sau giai đoạn sửa sai xác định trong tổng số đó có đến 132.266 người bị oan.

Con số 172.008 địa chủ bị đấu tố, hành quyết cũng được ghi nhận trong bài “Land Reform in Vietnam” (Wikipedia, the Encyclopedia): http://en.wikipedia.org/wiki/Class_enemies 


Ảnh 1. Luật Cải Cách Ruộng đất 
Ảnh 2. Bà Cát hanh Long, ngưoời địa chủ bị xử bắn đầu tiên trong CCRĐ.

Ảnh 3. Bố tôi cùng con cháu tại Las Vegas 2001  



CHƯƠNG V

BỐ TÔI - MỘT NGÀY VÀO TÙ CỘNG SẢN CŨNG KHÔNG





1.

Một ngày sau khi gia đình tôi về “nhà mới” là một túp lều dột nát, hai người du kích, một người đàn ông tên là Lê Lự (là em con cô con cậu với bố tôi, gọi bố tôi bằng cậu), mang cây kiếm, đi với một người đàn bà tên là Nuôi Đề, cầm cây gậy đến túp nhà lều, nơi gia đình tôi trú ngụ. Hai người này mang bản án đến để bắt bố tôi ký tên vào. Bố tôi ra hiệu, chỉ cho tôi cầm lấy tay ông ký nguệch ngoạc vào bản án. Bố tôi ký xong, hai du kích cầm bản án, trước khi ra về họ dặn:
“Khi nào cha tụi bay ngồi dậy được phải đến báo cho nông dân ngay, không thì chết cha bây hết!”

Sau khi ký vào bản án, bố tôi vẫn nằm im một chỗ trên cái chõng tre như từ hơn nửa năm trước đó. Đêm đêm mẹ tôi vào nói chuyện thầm thì với bố tôi. Một hôm mẹ tôi gọi tôi và người chị kế tôi lại nói nhỏ: “Thầy các con không chịu đi tù, sẽ tự tử chết. Các con vào van lạy thầy con”.

Chị tôi và tôi vào chỗ bố tôi nằm, chị tôi khóc và năn nỉ:
- “Xin thầy đừng chết, thầy đi tù thì còn sống, còn có ngày về với mẹ và chúng con”.
Chị em tôi ra trước bàn thờ tổ tiên vừa đặt tạm. Ông ngồi xuống, chị tôi sụp xuống quỳ lạy, tôi quỳ theo, chị tôi khóc: “Con xin thầy, thầy đừng chết, đừng bỏ mẹ và chúng con”.

Bố tôi nén giấu xúc động, ông nói:
- “Thầy không thể sống được. Thầy không thể đi tù. Một ngày vào tù cộng sản thầy cũng không. Khi thầy không còn nữa, các con phải thương và đỡ đần công việc cho mẹ, lo nuôi các em. Nhớ chôn thầy ở chỗ đất cao góc vườn, đầu hướng về đồng Nhà Sạ” (nơi có mộ phần ông cố và ông bà nội chúng tôi).

Chúng tôi đau khổ buồn lo giây phút bố tôi uống thuốc độc, như mẹ tôi cho biết. Thời gian nặng nề nhích đi từng giờ, từng ngày. Một hôm, giữa đêm khuya người anh họ tôi, đang bị truy nã từ hơn một năm trước, trốn trong rừng quay về lén vào mái nhà tranh lụp xụp, vào phòng thầm thì gì đó với bố mẹ tôi, cả đàn con chúng tôi thức dậy, bố tôi và người anh họ vụt ra khỏi nhà, mất biệt.

Cuộc vượt thoát của bố tôi không phải là bỏ lại gia đình, vợ con, xóm làng, đất nuớc… mà là bỏ lại cái chết đang mang trong tâm tư và trên thân xác một cách dứt khoát, đoạn tuyệt. Khác với trường hợp các thuyền nhân vượt biên sau năm 1975 họ đi tìm sự sống trong cái chết bằng sự rủi may, bố tôi đi tìm sự sống đã được định đoạt mà phút lâm chung chỉ tính từng ngày từng giờ.

**
2.
CUỘC VƯỢT THOÁT GIỮA LẰN RANH SỐNG CHẾT
.CHẶNG ĐẦU ĐỜI LƯU LẠC

Gần một năm trôi qua, trong đói khổ, tủi nhục tận cùng của địa ngục trần gian ấy, mấy mẹ con chúng tôi, con mất cha, vợ mất chồng, cốt nhục tương tàn, anh em ruột thịt không dám nhìn nhau, bà con họ hàng quay lưng ngoảnh mặt. Chúng tôi sống trong lầm lũi, bị cô lập và ngược đãi...

Thế rồi, “sông có khúc, người có lúc”, một buổi tối đầu năm 1957, bố tôi cho người vượt biên giới Lào-Việt trở về nhắn tin gia đình chúng tôi theo họ tìm đường trốn thoát. Mẹ tôi đi chợ Gia,
bác Phú gái tìm gặp, kéo mẹ tôi ra bờ sông Tiêm cách chợ vài ba chục mét, trao cho mẹ tôi một mảnh giấy bằng một phần tư trang vở học trò, chữ viết của bố tôi:

Gia đình liên lạc với người đưa tin này, thu xếp theo họ ra đi. Chỉ có một lần này thôi, không có lần thứ hai. Phải dứt khoát ra đi để gia đình sum họp”.

Ông anh cả tôi được người nhà nhắn tin, nửa đêm đạp xe đạp từ huyện về nhà, tôi và bà chị kế tôi sang nhà, ba anh em chúng tôi đi đến gặp người liên lạc dẫn vào rừng tiếp xúc với một trong những người từ Lào về. Họ chỉ bằng lòng cho Mẹ tôi và tôi đi, còn các anh chị em tôi chờ:

– “Con địa chủ chết nhiều lắm rồi. Tụi bây chưa chết, chờ đi chuyến sau”.   
                   
Mẹ tôi không thể bỏ lại mấy đứa con để ra đi. Ông anh tôi sắp đặt kế hoạch cho cả nhà đi cách xa phía sau tôi và mẹ tôi, đến điểm hẹn trong rừng giữa đêm khuya, đặt họ trước việc đã rồi.

**
3.
.1957 - CHẶNG ĐẦU ĐỜI TỴ NẠN CỘNG SẢN

Chuyến xe nhà binh Lào dừng lại trước trụ sở Ty Cảnh sát thị xã Thakhet. Mọi người xuống xe, tôi nằm lăn ra trên mặt đường nhựa, nhìn lên bầu trời mà cảm nhận một giấc chiêm bao đã hiện thực. Bố tôi ôm lấy từng đứa con, mẹ tôi nước mắt ràn rụa. Dòng lệ của hồi sinh, của mừng vui sum họp, của hoạn nạn cay đắng, khổ đau đã thuộc về quá khứ. …

**
4.
.PHÚC ĐỨC. SỐ PHẦN VÀ ĐỊNH MỆNH

Tôi vẫn nghĩ rằng sự đời đưa đẩy, trong cái rủi có cái may, trong niềm vui có nỗi buồn nhen nhúm; trong nỗi buồn lại le lói niềm vui. Bố mẹ tôi, gia đình tôi từng nhìn lại những vinh nhục, thăng trầm mà chiêm nghiệm phúc đức tổ tiên dành cho. Trong số hơn một trăm bảy mươi hai ngàn (172.000) địa chủ bị đấu tố, bị giết oan trong thời kỳ CCRĐ, số người thoát chết, thoát khỏi tù đày không có được bao nhiêu. Bố tôi đã thoát khỏi hoạn nạn, thoát chết như một phép lạ.  

Sau 16 năm ở Mỹ, lần đầu tiên về thăm quê (tháng 2-2009), một người trong dòng tộc họ Trần Kim, phụ trách việc tế tự, hàng ngày tiếp đón khách viếng thăm một ngôi đền được đưa vào danh mục di tích lịch sử, gặp bố tôi, ông nói oang oang giữa đám đông vài chục người:

- “Bác về đây, tổ tiên dành bác lại. Hồi đó bác không khôn khéo giả ốm, giả điên thì bác là người bị bắn chứ không phải Ngô Hệ. Ngô Hệ chết thay cho bác. Khi bắn Ngô Hệ, nó còn hỏi thằng T. ở đâu?...”.

Tôi và cô em gái phải lái sang chuyện khác, lên tiếng hỏi: “Chú được mấy cháu nội cháu ngoại rồi...?”

Chẳng hay ho gì để nhắc lại những nỗi đau thương. Nhưng hình như với nạn nhân, kể cả người ngoại cuộc, và kẻ chứng kiến vết thương dĩ vãng đã nửa thế kỷ vẫn chưa liền da lành thịt.

Khuynh hướng đấu tranh diệt trừ cái ác chủ trương phải khắc ghi và biến đau thương đó thành căm thù. Phải căm thù cái ác để tiêu diệt cái ác. Nỗi bất hạnh ấy, thế hệ cha anh tôi là nạn nhân trực tiếp, thế hệ tôi vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng. Cả dân tộc phải hứng chịu một thế kỷ đau thương nghiệt ngã, dù là kẻ thắng hay người thua, ngoại trừ bọn ngoại lai mất gốc.

Lịch sử đang được thời gian lật lại từng trang để lương tri soi rọi. Ngày nay không thiếu gì những người từng tham dự vào canh bạc xương máu của dân tộc đã sửng sốt nhìn lại tội ác có chính bàn tay mình dính máu. Xin hãy đọc một đoạn trong bài viết của một Đại tá QĐND cộng sản, 33 năm sau cuộc chiến:

“Định mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạng vô sản! Sự lựa chọn ấy đã xác định luôn cả bạn đường cho dân tộc ta là giai cấp vô sản thế giới! ‘Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!’ Tiêu chí giai cấp được đưa lên trên hết. Dân tộc không còn được tính đến. Dân tộc phải hòa tan trong giai cấp. Từ một khái niệm còn mơ hồ, giai cấp bỗng hiện hình sừng sững trùm lên xã hội, đè xuống
từng số phận con người! Từ đó, con người Việt Nam vốn bao dung, nhường nhịn "Chín bỏ làm mười", "Tranh quyền cướp nước chi đây/ Coi nhau như bát nước đầy là hơn", con người Việt Nam vốn chan chứa thương yêu "Thương người như thể thương thân", dân tộc Việt Nam vốn rộng lòng đùm bọc "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng", bỗng thành con người khác, dân tộc khác.

“Con người ấy, dân tộc ấy bỗng đằng đằng sát khí ôm súng lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, lâu dài và thảm khốc! Con người ấy, dân tộc ấy bỗng lạnh lùng, cay nghiệt, tay cầm nghị quyết, mê mải đi từ cuộc đấu tranh giai cấp này đến cuộc đấu tranh giai cấp khác. Chiến tranh kéo dài, mất mát của chiến tranh trải rộng trên đất nước, đè nặng xuống số phận cả dân tộc. Đấu tranh giai cấp triền miên, nỗi đau từ đấu tranh giai cấp thấm sâu vào hằng triệu số phận con người. Bước vào cuộc chiến tranh từ Nam Bộ kháng chiến, ngày 23, tháng chín, năm 1945, đến khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia, 1989, chúng ta mới thực sự bước ra khỏi cuộc chiến. Hơn bốn mươi năm trời liên tiếp mấy cuộc binh đao khốc liệt. Và khốc liệt nhất, mất mát lớn nhất, đau thương lớn nhất, phân rã, li tán dân tộc lớn nhất là cuộc tương tàn nam bắc hơn mười năm trời! Bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ ngày nào nay tan tác muôn nơi. Hàng triệu người trôi giạt tận góc biển chân trời nơi đất khách quê người. Bản thân ...”
[Phạm Đình Trọng, Đại tá QĐND, Suy Nghĩ từ Ấn Độ @talawas 3-2008]

Chủ nghĩa Mac-xit ngoại lai đã chực cướp từng cơ hội, hoành hành, làm điên đảo cả toàn dân, kéo dài hậu quả tưởng chừng như vô tận. Từ tuổi thiếu niên nhi đồng, tôi đã chứng kiến “con người ấy, dân tộc ấy bỗng đằng đằng sát khí ôm súng lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, lâu dài và thảm khốc!”

Năm 1948, thanh niên quê tôi hăm hở “lao vào” đoàn thanh niên cứu quốc. Từng buổi sáng tôi ùa ra khỏi nhà đi xem anh cả tôi cùng đoàn thanh niên xuống đường tập

cơ bản thao diễn, tiếng hô diễn tập hòa lẫn tiếng hát làm chộn rộn khung cảnh trầm lặng của xóm làng trước đó. Mấy tháng sau, những người thanh niên ấy vắng bặt xóm làng đi theo kháng chiến và biệt ngày về. Anh cả tôi nhờ trúng tuyển khóa giáo viên đi học sư phạm nên không phải “tòng quân”.

Làng tôi có mấy thanh niên ra đi chiến dịch vào sanh ra tử năm, bảy năm, mang trên vai lon lá, trong khi cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ ở nhà bị quy thành phần địa chủ, gục ngã giữa đấu trường, chết trong tù, chết trên đường giải đến trại giam..!!

No comments:

Post a Comment