Trong cuốn
NTK.VN tôi có dành tám chương viết về tù cải tạo. Ở đây xin dành một chương có
niềm vui và hạnh phúc sau một hành trình đày đọa, đau đớn và tủi nhục của quan
chức quân cán chính VNCH trong các trại tập trung cải tạo...
CHÂU VỀ HIỆP PHỐ (*)
(Chương XVII)
Xin từ biệt một cảnh đời,
tường xây cửa sắt tình người lạnh
căm
Xin từ biệt những tháng năm
mồ hôi máu lệ nhục nhằn đắng cay.
Có biết bao chuyện hợp tan trên đời – thương hải tang điền
– xưa nay từng xé lòng bứt ruột thế nhân. Trong đời tôi, đã bao lần trầm lòng
trước những cuộc hợp tan não nuột – Ngày rời bỏ quê hương bản quán ra đi biền
biệt đến bây giờ; ngày xách túi hành trang với vài bộ quần áo, từ giã gia đình,
đành đoạn bỏ lại những yêu thương bịn rịn để ra đi “trình diện” vào tù, từ đó
tôi cứ mãi nôn nao với những lần hợp tan, tan hợp. Khi rời Quảng Ninh về Thanh
Hóa, nhìn lại phía sau núi rừng trùng điệp heo hút, tôi cứ mãi chập chờn với lẽ
thịnh suy. Người cộng sản không thể lường trước được viễn ảnh của việc đưa hàng
nghìn tù từ trong Nam ra rồi
lại phải đưa trả về Nam.
Nhưng lần rời khỏi cái “địa ngục trần gian” trại Lam Sơn,
Thanh Hóa sau hơn hai năm tủi nhục, đắng cay, mồ hôi nước mắt và sinh mệnh con
người, tôi cứ mãi miên man với niềm vui, nỗi buồn, với khổ đau và hạnh phúc,
như xen lẫn, hòa trộn vào nhau trong giờ ăn giấc ngủ, trong tim óc, trong cuộc
sống của tôi, cho tới mãi hơn 20 năm sau, khi ngồi viết lại những dòng hồi ức
này vẫn như chuyện mới ngày hôm qua hôm trước.
Người ta xây thiên đường hạ giới bằng ảo tưởng, để chúng
tôi, cùng nguồn cội Âu Cơ bị đẩy vào địa ngục trần gian có thật, bởi cuồng tín
giáo điều và lòng thù hận. Năm năm với hầm phân hố xí, với xích sắt, gông cùm,
với khai hoang, phá rẫy, đắp bờ, đào ao, làm nhà, dựng trại, xây xà lim; Năm
năm bo bo, khoai sắn, chén nước canh, nước muối, chén cơm gạo hẩm, bữa có bữa
không, đói rách, khổ nhục, đọa đày... Giữa bóng đêm mù mịt ấy, ánh sáng lờ mờ
phát ra từ hai bóng đèn đoàn tàu Xuyên Việt rọi sáng niềm tin và hy vọng – “Hy
vọng đã vươn lên trong màn đêm...” – Đoàn tàu ngày nào chở những đoàn tù bất
hạnh ấy ra đi, nay đang chở họ trả về phương Nam, nơi có những bà mẹ già, có
những người vợ trẻ, có những đàn con thơ, có bao người thân thuộc, và có cả một
đất trời đang ngày đêm chờ đợi, ngóng trông. “Chúng ta sẽ về Nam”.
Chúng ta sẽ về Nam. Đó là điều tôi đã quả quyết
với nhiều anh em trong những lúc bàn luận riêng tư. Thời gian còn ở phân trại
B, tù cải tạo được yêu cầu khai thân nhân và địa chỉ ở nước ngoài, nếu có. Một
số anh em không dám khai vì sợ bị gài bẫy, sợ bị đánh lừa để “người ta” tìm
cách chất chồng thêm tội, có lý do kéo dài thêm thời gian giam giữ. Nhưng cũng
có người tin tưởng “sẽ có chuyện gì đây”. Họ nghĩ ai có thân nhân ở nước ngoài
chắc sẽ được cho xuất cảnh. Họ mạnh dạn liệt kê đầy đủ. Tôi không sợ bị gài
bẫy, cũng không nghĩ sẽ được tống xuất, nhưng tôi cũng nghĩ chắc “có chuyện gì
đây”. Tôi ghi ra hết những người có liên hệ họ hàng mà tôi biết đang ở nước
ngoài. Tôi không có một thân thuộc trực hệ nào, nên tôi chỉ ghi một người cháu gọi tôi là cậu ruột ở Pháp và hai người
bà con xa ở Mỹ. Chỉ nguyên sự việc này đủ là một đề tài để suy luận, bàn tán.
Trong một lần “tán gẫu mà chơi”, tôi đưa ra lập luận: Nếu chúng ta không chết, chúng ta phải được thả về, mà
về thì chắc chắn chúng ta không thể sống với chế độ này được, và đã chắc
gì chế độ để cho chúng ta sống chung. Như vậy chúng ta phải ra nước ngoài, và
chế độ cũng muốn chúng ta đi cho nhẹ gánh. Điều kiện thuận lợi nhất để ra đi là
phải có thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh.
Nghe tôi nói có vẻ xuôi tai, hai người ngồi cạnh tôi, một là bạn tôi, và
người thứ hai là anh Ng. V. K. (Chánh Sở T.P. BTL/CSQG) sau đó nhắn vợ ra thăm
để dặn người bạn đời của mình hãy về thu xếp mà vượt biên, tìm tương lai cho
con cái. Cả hai bà vợ làm theo lời chồng, làm theo ý muốn của người bạn “trăm
năm”. Nhưng sau khi đến được bến bờ tự do, trong hoàn cảnh bơ vơ đơn chiếc, cả
hai bà đi tìm bến đậu. Khi biết chuyện, tôi cứ mãi băn khoăn. Không biết có
phải vì suy nghĩ vu vơ của mình mà nên nỗi bẽ bàng cho người đi kẻ ở.
Điều mong muốn của tôi đã trở thành niềm tin sắt đá “Chúng
ta sẽ về Nam”,
cuối cùng đã thành sự thật. Không khí sinh hoạt nề nếp sắt máu của cả trại tù
bỗng vỡ bùng, xô ngã mọi trật tự chặt chẽ qua một hệ thống quản lý khắt khe từ
Ban Giám thị xuống đến “Ban tự quản” gồm thi đua, trật tự, đội tưởng và tổ
trưởng.
Trong thời gian mấy tháng trước đó Ban Giám thị đã tìm mọi
cách đính chính, trấn an và trấn áp dư luận về việc chuyển trại về Nam.
Chính những con người trong “ban tự quản” từng theo dõi, báo cáo những ai phổ
biến “hot news”, loan truyền “tin thất thiệt”, giờ phút đó họ ngỡ ngàng, có lẽ
cả hoang mang giao động. Quyền lực, với chút đặc ân, đặc lợi đã vuột khỏi tầm
tay.
Hot news trong trại tù phải được kể là một món ăn tinh thần
bồi bổ nhất. Khi một người được thăm nuôi về đến buồng, nhiều anh em xúm lại,
không phải để “xơ múi” miếng bánh, cục kẹo, mà là để nghe ngóng tin sốt dẻo. Có
những hot news nghe là tin được, tin ngay như trường hợp vợ anh A cho biết anh B. cạnh nhà đã được chuyển
từ ngoài Bắc về Rừng Lá, gia đình vừa đi thăm tuần trước. Cũng có những tin
nghe xong phải để đó, phải coi lại. Tin ngay có khi bị hố! Như trường hợp của
tôi. Hồi ở chung buồng giam tại phân trại B Thanh Hóa, Ông Đ/tá (Thiết giáp)
nói với tôi, sáng 30 tháng Tư ông ấy có mặt tại Tòa đại sứ Mỹ ở đường Thống
Nhất, khi biết mission di tản chấm dứt, Nghị sĩ Đặng Văn Sung, Chủ nhiệm báo
Chính Luận đã rút súng tự tử ngay tại sứ quán Mỹ. Tôi tin, tin lắm vì đó là lời
nói trực tiếp của một con người đáng tin, không có gì để phân vân ngờ vực. Sang
đến Hoa Kỳ, mấy năm sau đọc báo, tôi mới hay điều tôi tin chắc như bắp suốt bao
năm ròng chỉ là tin vịt. NS Đặng Văn Sung đã được Mỹ đưa đi trước giờ thứ hai
mươi lăm.
Một lần khác, tôi nghe một bạn tù hát mấy câu “Bao năm qua
rồi còn mãi ra đi. đi theo loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi
vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Cả nhạc và lời hay quá,
từng chữ từng câu đều đắt giá. Tôi hỏi và được trả lời là của nhạc sĩ Phạm Duy.
Rồi người bạn tù kể tiếp, nhạc sĩ Phạm Duy chết rồi. Chết trong khi đang ôm
đàn, đang đứng trên sân khấu hát một ca khúc thương xót thân phận đồng bào ở
lại và những người tù đang chịu đựng khổ đau. Vì quá xúc động, ông bị ngất xỉu
trên sân khấu và một lúc sau ông qua đời.
Tôi tin, tin lắm và tôi học thuộc mấy câu trong ca khúc
“bao năm qua rồi còn mãi ra đi...” thuộc đến bây giờ. Qua lời ca và giọng nhạc,
tôi “nghi ngờ” là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng lại tin lời người bạn tù
với cái hot news về NS Phạm Duy rất là cảm động. Khi được thả về Sài Gòn, có
một lần duy nhất tôi được nghe bản “Huyền Thoại Mẹ” của TCS do chính tác giả
hát trên Truyền hình, nhưng không hề nghe bài “Một Cõi Đi Về” cho tới ngày sang
đến Mỹ. Đến Mỹ lần hồi quen thân với nữ nghệ sĩ Kiều Loan, ái nữ của nhà thơ
Hoàng Cầm, mới hay nhạc sĩ Phạm Duy còn sống sờ sờ ra đó, còn sáng tác nhiều
bản nhạc khác để đời. Và “bao năm qua rồi còn mãi ra đi...” là của người nhạc
sĩ họ Trịnh.
Hot news trong tù là một “món quà” thời thượng để tặng nhau
làm niềm vui, làm niềm tin và hy vọng. Có những hot news từ ngoài lọt vào, độ
khả tín rất cao, nhưng cũng có những hot news do tù sáng tác, phịa ra để đánh
lừa các bạn mình và có khi đánh lừa cả chính mình nữa. Nhưng hai lần hot news
ầm lên khắp trại Quảng Ninh năm 1978 và ở trại Lam Sơn năm 1980 thì hoàn chính
xác. Tin đồn đại ấy chỉ không loan báo được ngày giờ di chuyển chứ các chi tiết
khác diễn tiến như mọi người đã được nghe bàn tán trong dư luận.
Dưới con mắt người tù cải tạo, mọi chi tiết xẩy ra bên lề
đều được ghi nhận, suy diễn, đánh giá và lượng định tình hình. Một phái đoàn từ
phân trại A đến phân trại C cách đó mấy ngày, trong đoàn có đại tá công an
Hoàng Thanh đã củng cố cho tin chuyển trại trong dư luận là điều chắc chắn. Mỗi
lần ông Hoàng Thanh xuất hiện là có chuyển trại hay có một “cái gì đó”. Trước
ngày tù xuống tàu Hồng Hà ra Bắc, ngày rời Quảng Ninh về Thanh Hóa, ngày dẹp
xong cuộc nổi loạn của tù cải tạo tại phân trại C đều có sự xuất hiện của nhân
vật này.
TRÊN CHUYẾN TÀU XUÔI NAM
Cuộc “chuyển quân” khởi động vào sáng sớm ngày 26 tháng 12
-1980. Đúng 8 giờ từng tốp cán bộ vào các buồng giam ra lệnh mọi người đem hết
hành trang ra ngoài sân. Một danh sách đánh máy thành lập những đội mới đã được
lập sẵn. Hệ thống biên chế tổ đội trước đó coi như xóa sổ. Các thành phần chức
sắc cách đó mấy tiếng đồng hồ còn đủ uy quyền để chỉ thị, để ra lệnh cho mọi
người, bấy giờ đứng lơ ngơ như gà con mất mẹ. Trong danh sách mới, cứ 29 người
được biên chế thành một đội. Số đội viên được lấy từ các đội khác phân tán trộn
lẫn vào những đội tân lập. Có lẽ cốt ý của việc làm này là để tránh những cuộc
trả thù giữa thành phần tiến bộ và thành phần bị áp bức trong khi di chuyển.
Con số 29 người trong mỗi đội, một người được cử làm đội trưởng, khi lên tàu được
thong thả đi lại trong toa, còn 28 người kia thành 14 cặp cho tiện còng chung,
ngồi cùng dãy ghế. Tôi không có tên
trong đội nào, đang hoang mang, chạy lui chạy
tới thì quản giáo đội cũ, Lê Minh C. từ ngoài đi vào, gặp tôi bên cổng
vào sân buồng giam, ông ta hỏi tôi:
- “Anh ở đội nào”?
Tôi nói dối:
– “Tôi vào trong buồng lấy đồ đạc, trở ra không nghe kịp.
Nhờ cán bộ hỏi cán bộ Thơm giùm tôi”. CB Thơm là người đứng đầu bộ phận an ninh
của trại. Trước đó khoảng hơn một tuần lễ, anh “thi đua HNĐ” dẫn ông ta vào
trại gặp tôi nhờ bóp lưng và lên lai hai cái quần tây “Made in France” mới
toanh. Tôi xin nghỉ lao động một buổi để làm, nhưng được nghỉ luôn cả ngày.
Buổi chiều trước giờ lao động ngoài đồng trở về, ông ta vào lấy quần. Ông ta
rất vừa ý khi thấy hai cái quần “chiến” sửa lại rất nhà nghề “professional”,
mặc dù là tôi làm bằng thủ công. Người cán bộ này hỏi tôi –“Anh cần gì không?
Tôi nói –“Cán bộ cho tôi xin một cái quần (tù) để tôi mặc đi lao động. Mùa này
lạnh lắm, tôi mặc hai lớp cho đỡ rét”. Ông ta quay sang bảo anh “thi đua”,
-“Anh về lấy cho anh ấy cái quần mới”. Nhưng sau đó tôi không nhận được cái
quần, có lẽ biết sắp chuyển trại nên không cần thiết cho thêm quần làm gì.
Cho tới giờ này, khi ngồi ghi lại chi tiết tủn mủn này tôi
vẫn nghĩ là người cán bộ an ninh này đã “trả ơn” tôi bằng quyết định thêm tên
tôi vào danh sách về Nam phút chót. Cán bộ quản giáo, ông Lê M. C. trở vào nói
với tôi:
- Anh thế chỗ anh Nguyễn Tấn Khải ở đội 39.
Tôi nhờ ông ấy đi với tôi đến bảo cán bộ và “tân đội
trưởng” ghi tên giùm tôi cho chắc ăn. Thế là tôi thế chỗ một người, mà người đó
không bao giờ được lên một chuyến tàu khác trở về với gia đình ruột thịt, với
miền Nam
thân yêu. Ông Nguyễn Tấn Khải là một trong ba người bị giữ lại vì không đủ sức
khỏe lên tàu. Cả ba sau đó đều chết ở Thanh Hóa. Còn tôi, thay vì ở lại cùng
các bạn khác đi ra Thanh Cẩm thì đã được về Nam như một sự xui khiến, phù hộ
... nào đó.
Vì tôi thế chỗ “ông già Khải” nên tôi còng chung với Trung
tá CSQG Trần Văn Hương, tuổi tác ông ngang bậc cha chú của tôi. Trong suốt bốn
ngày đêm trên tàu một già một trẻ kể cho nhau nghe rất nhiều chuyện của nhau.
Chúng tôi lên xe từ phân trại C khoảng 9 giờ sáng ngày 28
tháng 12 -1980. Đến ga Thanh Hóa tất cả được dồn vào trong một cái kho chứa phân
bón A-pa-tit. Loại phân hóa học này đựng trong từng bao lớn cỡ bao gạo 20 kg.
Từng lớp, từng lớp gối đầu lên nhau, nằm la liệt trên bao phân sắp ngổn ngang
nơi cao nơi thấp. Mọi cảm giác khổ sở, mệt mỏi rã rời, sau một chuyến xe đường
dài và nằm chen chúc trong tối tăm hôi hám được an ủi khuây nguôi trên nét mừng
vui của mỗi người trước giờ phút cuộc đời tù tội bắt đầu đổi hướng quay trở
ngược về Nam.
Cũng có một đôi lần lời qua tiếng lại, cự nự lẫn nhau khi người này đạp lên đầu
người kia trong bóng tối mù mờ.
Có một điều tôi không thể không nói ra, bởi nếu tôi im
lặng, lãng quên quá khứ, tôi là kẻ vô ơn. Khuya đêm 28 tháng 12 vào lúc 11 giờ
30 người cán bộ quản giáo Lê M.C. cùng với một người công an khác rọi đèn pin
đi kiểm soát an ninh, ông tìm đến tôi trong gần một ngàn người tù nằm ngổn
ngang la liệt. Tìm được đội 39, ông ấy rọi đèn pin bước một cách khó khăn lại
chỗ tôi nằm, lên tiếng:
- Anh TKL đấy hả.
Tôi trả lời – Thưa cán bộ, vâng tôi.
– Anh có rét lắm không?
- Thưa cán bộ, không lạnh vì người đông chen chúc, hơi
người toát ra đủ ấm.
Ông ta trao cho tôi hai điếu thuốc lá “Summit” sản xuất tại
Thái Lan, bật hộp quẹt mồi lửa cho tôi, và dặn.
- Hút cho đỡ rét. Về trong ấy hết lạnh lại được gần gia
đình.
Tôi thực sự cảm động về cử chỉ này nên
nói lời chân thành:
- Địa chỉ của tôi khai báo rất nhiều trong hồ sơ, cán bộ
biết. Bao giờ có dịp vào Sài Gòn công tác mời cán bộ ghé nhà tôi.
Ông ta trả lời gián tiếp – Anh nằm nghỉ. Rồi quay di. Tôi nói theo - Chào cán bộ.
Khi được thả về Sài Gòn tôi không gặp lại người cán bộ này
lần nào nữa.
Thời gian từ tháng 6-1979 đến cuối năm 1980 tôi ở trong đội
trừng giới do người cán bộ này làm quản giáo. Tôi không là đội trưởng, tổ
trưởng nhưng “gần gũi” nhiều với quản giáo qua quan hệ “nhờ vả” vá may. Những
bộ quần áo mới lãnh về, rộng hẹp, ngắn dài là giao tôi sửa. Cái sơ mi cổ áo bị
rách sờn nhờ tôi lật trong ra ngoài. Vài ba cái áo vàng công an phế thải giao
tôi lấy những thân áo còn dùng được cắt may thành cái áo cho đứa nhỏ cỡ năm ba
tuổi. Có lần ông ta đưa cho tôi một xấp vải Simili loại may quần, và cho biết
có người đi Ba Lan về bán lại cho. Nhờ tôi cắt may cho cái quần tây. Dĩ nhiên
tôi làm công việc này thì khỏi phải lao động, khỏi cuốc đất đào mương... Tôi
làm việc trong “nhà lô” ngoài đồng ruộng, hoặc ngồi vào một lùm cây, khuất vắng
nào đó rị mọ từng mũi kim. May xong cái quần tây, tôi không thể tưởng tượng là
“tác phẩm” của chính mình. Tôi nhớ hồi đầu thập niên 50 bố mẹ tôi rước một thợ
may từ làng xa đến nhà may một cặp áo cưới bằng gấm để cưới vợ cho ông anh cả
của tôi. Không dè 30 năm sau nhân loại bước vào đỉnh cao kỷ nguyên cơ khí, tôi
lại trở về với thời kỳ thủ công sơ đẳng.
Trong thời gian “làm việc” gần gũi với
người cán bộ quản giáo này, chưa bao giờ ông ta hỏi một câu nào về riêng tư của
tôi, và cũng không bao giờ ông ta gợi ý muốn biết về sinh hoạt hay về một cá
nhân nào trong đội. Ngược lại tôi cũng không bao giờ mở lời hỏi một câu gì về
ông ta, ngoài những câu trao đổi về may vá.
Đúng 1 giời sáng chúng tôi bị đánh thức dậy mang hành trang
tù ra ngoài bãi sắp hàng, ngồi xổm dọc theo đường ray chờ lên tàu. Hơn bốn
tiếng đồng hồ sau đoàn tàu mới xình xịch chạy tới. Bốn tiếng đồng hồ ngồi giữa
đồng không mông quạnh, giữa cái giá rét mùa đông miền Bắc, nhiều người áo ấm bỏ
trong túi hành lý không lấy ra được nên đành ngồi chịu trận. Tôi là một trong
số người mặc một lớp áo tù mong manh chịu cái lạnh đến tê điếng. Ông già Trần
Văn H. nhờ có cái áo bốn túi CSDC khoác ngoài hai lớp áo tù nên có vẻ an nhiên hơn
một chút. Hơi lạnh thấm vào tim gan phèo phổi, làm cái dạ dày quặn lại, sinh
biến chứng đau bụng đi tiêu. Nhưng “đi” không phải là việc đơn giản. Phải xin
phép cán bộ dẫn đi. Phải có người đứng canh chừng. Phải được “bạn đồng hành”
chấp thuận đi theo, nếu người này không có nhu cầu giải quyết thì cũng phải
ngồi cạnh người kia, vì hai người chung nhau một cái còng. Hai cổ tay dính
nhau, mang chung một trọng lượng khoảng một kg sắt với cái còng XHCN tự chế,
không phải loại còng made in USA
gọn nhẹ như lúc đi ra Bắc.
Khoảng 5 giờ sáng khi vầng dương đã ló dạng lờ mờ, chúng
tôi lục tục lên tàu. Tù ngồi các hàng ghế phía trước. Cách hai hàng ghế trống,
phía sau là công an súng dài, súng ngắn ngồi giàn hàng ngang. 28 người còng
chung ngồi thành từng cặp. Người tù đội trưởng ngồi riêng một ghế, được tự do
đi lại, lui tới trong toa để nhận lệnh và thi hành những điều cán bộ sai bảo.
Mệnh lệnh được công bố lúc chúng tôi đã ngồi yên trên các hàng ghế trong toa
tàu:
- “Tất cả mọi người phải ngồi yên tại vị trí của mình, ai
cần điều gì thông qua đội trưởng để báo cáo cán bộ. Khi đi qua những khu có dân
cư, và lúc tàu đậu tại các ga, phải kéo cửa sổ toa tàu xuống, nếu không dân sẽ
ném đá vỡ đầu các anh. vì dân chúng còn căm thù các anh lắm”!
Luận điệu này chúng tôi đã từng được nghe, được nhắc nhở
ngày chúng tôi lên tàu và lúc mới đặt chân lên miền Bắc. Nhưng thực tế, nếu mấy
ông cộng sản nói ra những câu hù dọa đó mà nghe người dân miền Bắc nói thì chắc
chắn các ông phải hiểu là những cục đá thay vì ném lên đoàn tàu chở tù về Nam
họ sẽ dành cho chính các ông ấy. Thời gian chúng tôi vừa tới Quảng Ninh, đi lao
động về, gặp đám tù hình sự, gặp dân họ chào hỏi dòn dã:
- “Ngoài Bắc chúng tôi chờ bác Thiệu, bác Kỳ ra giải phóng.
Các bác làm ăn, đánh đấm thế nào để ra nông nỗi này?”
Nghe câu nói đó từ những người miền Bắc, dù họ cũng là
người tù, là dân quê mộc mạc, tôi cảm thấy ngỡ ngàng xa xót. Một lần khác một
tù cải tạo trong đội Lâm sản gặp một người miệt núi, cả hai đều tỏ ý muốn nói
chuyện với nhau. Người tù miền Nam
đánh liều mon men tới hỏi thăm, sau vài câu trao đổi, người “miệt nuí” ấy nói
như là để trao gởi tâm sự:
– “Các anh giữ sức khỏe để còn sống mà trở về. Đừng nghe
lời chúng nó. Bịp cả đấy”.
Người tù miền Nam không dám phụ họa theo nhưng
nghe mạch máu trong người chảy rộn rã. Tại trại Z30A Xuân Lộc, vào một buổi
chiều người cán bộ Chuẩn úy công an vào tổ may, giọng miền Bắc, tên anh ta là
Khuê. Trong câu chuyện giữa đám tù thợ may và người cán bộ này, ông ta nói rất
mạnh dạn, rất thành thật:
– “Các anh tưởng đám lính chúng tôi
sung sướng lắm hả? Ban ngày họ mang súng đi theo các anh lao động, đêm về vác
súng canh gác cho các anh ngủ. Các anh đun nấu mùi thơm bay lên nức trời. Chúng
tôi hưởng cái mùi thơm ấy à?”
Một anh trong đám thợ may cố ý châm
thêm: “Nhưng cán bộ là sĩ quan, rồi cán bộ cũng sẽ có đủ những ưu đãi dành cho
cấp chỉ huy, cho công bộc nhà nước. Cán bộ còn trẻ mà”.
- “Ưu đãi cái gì các anh? Đời sống là kinh tế, mà muốn có
kinh tế thì phải có chính trị. Chính trị thì phải cỡ ông Đồng, ông Duẫn mới
muốn gì được nấy chứ như chúng tôi ...”
Người cán bộ này bỏ lửng cuối câu, rồi nắm lấy cái thân áo
màu rêu đang mặc, đưa cao lên và lớn giọng:
– “Các anh bảo...
hãnh diện đéo gì cái áo này”!
Tôi ngước mắt nhìn vào người cán bộ này và nhìn các anh em
khác. Mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên về tính bộc trực hiếm thấy trong gọng kìm
kỷ luật sắt của đảng. Ông này bất mãn, sáng suốt, tỉnh ngộ hay gài bẫy? Có thể
không có giả thiết sau cùng. Với nhiều kinh nghiệm “đừng nghe những gì cộng sản
nói”, nên đoàn tù chúng tôi lặng lẽ thản nhiên.
Trở lại hành trình về Nam, một chuyến xe lửa ngược chiều
chạy ngang qua đoàn tàu chở tù. Tốc độ vừa phải. Tất cả anh em chúng tôi bảo
nhau cùng đẩy cửa sổ toa tàu, giơ cao hai cánh tay dính chặt với nhau bằng một
chiếc còng nội hóa. Loại còng này gồm hai vòng sắt hình chữ U, hai đầu đập dẹt
có khoan lỗ. Một thanh sắt lớn cỡ ngón tay trỏ, một đầu có nút chặn, đầu kia có
lỗ để móc ống khóa. Tay hai người tù đặt vừa
vặn vào vòng chữ U, thanh sắt xỏ qua bốn lỗ đầu chữ U, một ống khóa tra vào bóp
lại. Trọng lượng còng nặng cả kí lô, vô cùng chắc chắn.
Hành khách bên toa tàu ngược chiều cũng mở cửa sổ, quay
sang nhìn. Khi thấy những cánh tay, những chiếc còng “vĩ đại” giơ lên, tôi thấy
một người phụ nữ ôm mặt òa lên khóc và có tiếng nói vọng sang –“Tàu chở tù. Các
anh ấy về Nam”.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau năm năm cách
ly khỏi cộng đồng xã hội loài người, ẩn mình trong rừng núi với cảm giác trở về
thời người vượn.
Cho tới giờ này tôi vẫn chưa có gì để biết chắc được – có
lẽ có, có lẽ không – một trong những hành khách trên chuyến tàu ngược chiều ấy
là bà xã tôi. Theo những anh em, những người bạn sau về Sài Gòn gặp nhau, các
anh cho biết một ngày sau khi tôi lên tàu, thì nhà tôi ra thăm.
Có những người bạn của tôi từ thưở đi học, đi làm, cả
“chàng rể phụ” đám cưới chúng tôi, đi lao động gặp nhà tôi giữa đường cho nhà
tôi hay là tôi đã về Nam. Nhà tôi ngỡ ngàng vừa vui, vừa buồn, vừa lo. Vui khi
biết chồng mình đã được trả về “nguyên quán”. Buồn vì vượt cả ngàn cây số gieo
neo mà không được gặp. Không được gặp thì rồi sẽ gặp. Nhưng mà lo. Lo vì chặng
đường trở về biết bao gian lao cực nhọc, “thân gái dặm trường”. Cái dặm trường
từ nhà ga Thanh Hóa đi bộ vào đến trại tù, đến nhà thăm nuôi trên dưới mấy chục cây số thật là cơ cực. Nắng nóng, đất bụi,
bùn sình. Có đoạn may mắn đón được chiếc xe trâu có từ trước “thời Pháp thuộc” thì đỡ thân một chút. Có chiếc xe, nó
cõng bớt những giỏ xách, những bao bị cồng kềnh chứa toàn những là gạo, là mì, là muối mè, muối sả, là cá
khô, là đường, là sữa... không có những món “thượng vàng” nhưng “hạ cám” thì có
đủ.
Người tù chúng tôi không bao giờ buồn lòng, vì chúng tôi biết cả toàn dân sau cuộc đổi đời đều sống thoi
thóp bằng những thứ “hạ cám” như chúng tôi thôi. Để vơi bớt “cục nợ”
phải khuân vác trở về, nhà tôi quyết định trở ra nhà dân xin tá túc thêm 24 giờ
để sáng hôm sau xin thăm gặp người bạn partner của tôi. Về đến Sài Gòn ngày hôm
trước, hôm sau, cùng bố mẹ và ba má đến trại Z30A thăm chồng. Lần này thì chúng
tôi gặp nhau trong niềm hân hoan. Tin yêu tràn ngập.
NHỮNG NGHĨA CỬ ÂN TÌNH
GIỮA HẬN THÙ GIĂNG MẮC
Trên chuyến tàu về Nam, từ ga Thanh Hóa qua Đồng Hà, Quảng
Trị, Huế, Diêu Trì, Đà Nẵng, Nha Trang, tới Phan Thiết, Dầu Giây, khi tàu chạy
qua nơi nào có nhà ở, có người hai bên đường, chúng tôi đều bảo nhau mở hết cửa
sổ toa tàu, giơ cao hai cánh tay dính nhau bằng chiếc còng “đỉnh cao trí tuệ”
để chào mừng đồng bào, chào mừng bà con miền Nam ruột thịt.. Những bà con, đồng
bào hai bên đường khi chuyến tàu chạy qua, chúng tôi không biết ai là kẻ yêu,
người ghét. Chúng tôi không tin có những “cục đá ném vào đầu” mà mong chờ đón
nhận những cái vẫy tay, những nụ cười, những lời chào hỏi từ đồng bào, đồng
loại thương yêu mình.
Ở ga Thanh Hóa đã có những cặp mắt tò mò dửng dưng nhìn
theo đoàn tù. Có một vài em bé bán nước, mời ly nước chè xanh:
– “Uống đi, cháu không lấy tiền ông đâu”.
Qua giọng nói và tấm òng của em bé, những nguời tù chúng
tôi chứng kiến hôm đó có chút gì như ngạc nhiên và cảm động. Càng đi dần về
phía Nam,
chúng tôi càng gặp nhiều ngạc nhiên, xúc động, có khi đến chực rơi nước mắt. Từ
ga Huế trở vào có những lúc, nhất là khi tàu ngừng lại, người hai bên đường,
ném lên toa tàu tới tấp – thuốc lá, bánh mì, bánh chưng, bánh đúc, cam, bưởi...
những món quà tình nghĩa từ những bà mẹ, những em nhỏ buôn thúng bán bâng, từ
những cậu con trai phải bỏ học nửa chừng để kiếm sống bằng những việc làm lam
lũ. Gói thuốc lá, trái cam, cái bánh... giữa cảnh ngộ và thời buổi đó đã toát ra
một nghĩa tình cao quý, vượt lên trên tất cả những cái tầm thường bé mọn ở
những “đồng loại” hơn năm năm bên nhau trong lao tù, đáng ra phải đồng cam cộng
khổ.
Đối với chúng tôi nghĩa cử đó chính là vòng Nguyệt Quế dành
cho kẻ trở về, dù vẫn đang trong bộ áo tù, tay trong chiếc còng nặng trĩu. Có
một lúc tôi như giật mình khi nghe một thiếu niên hát vang vang: “như có bác Hồ
trong thùng phi đậy nắp, mở nắp ra nghe cái ‘cốc’ trên đầu”.
Thì ra sau hơn năm năm người dân miền Nam đã biết “bác Hồ” là ai. Tôi nhớ
ngày 1 tháng 5-1975 một anh Nhân dân Tự vệ ở cạnh nhà tôi, tuổi dưới hai mươi
đi ra đường xé những tấm ảnh “bác” dán ở những cột đèn, những bờ tường, dọc
theo đường Trần Quốc Toản cũ (3 tháng 2) và khu ga xe lửa Hòa Hưng, cậu ta liền
bị bắt đưa đi cải tạo hơn nửa con giáp mới được thả về. cậu này tên là Thủy,
được định cư tại Mỹ theo diện HO.
Trước năm 1975, người dân miền Nam không biết “bác” và không hiểu
một chút mô tê gì về chủ nghĩa mà “bác” mang về làm nền móng cai trị cho chế độ
do “bác” dựng lên. Nhờ chế độ của “bác”
mà lịch sử có những trang đẫm máu của Cải cách Ruộng đất, của Nhân văn, Giai
Phẩm, của Tết Mậu Thân, của biến cố 30.
4. 1975. Không phải đợi đến năm năm, mà
chỉ năm bảy tháng, một năm, sau khi được nhìn tận mặt, được tiếp cận từng ngày
là người dân đã biết, biết rất rõ những gì “bác” làm, những gì “bác” để lại cho
hậu thế trước nông nỗi trăm cay nghìn đắng.
Càng hiểu biết bác, hiểu biết chế độ của bác, người dân, kể cả một bộ phận
người dân miền Bắc, càng thấy thương, thấy tội nghiệp cho đoàn tù, cho quân cán
chính miền Nam, lớp người đã từng đem máu xương, sinh mạng để xây dựng và bảo
vệ miền Nam Tự do ấm no và hạnh phúc.
Chuyến tàu thống nhất nối lại tuyến đường sắt, nhưng đã không nối lại được tình người, không nối lại được
tình tự dân tộc. Vì vậy những người cán bộ công an hộ tống trên toa mới
bảo chúng tôi kéo kín cửa, kẽo người dân “còn căm thù” sẽ ném đá vỡ đầu.
Sau ngày 30.4.75, tuyến đường chở
ngược hướng Bắc những đoàn tù biệt xứ, cùng với hàng hàng những chuyến tàu chở
đầy chiến lợi phẩm nhưng đã không làm vơi dịu được phần nào cảnh bần hàn nheo
nhóc của ba mươi triệu người dân suốt 20 năm gồng mình xây dựng XHCN và chiến
tranh thôn tính. Thù hận vẫn thù hận. Nghèo đói vẫn nghèo đói.
Rồi tình thế cũng đến ngày đổi chiều, xoay ngược. Từng
chuyến tàu liên tiếp chở đoàn tù xuôi Nam. Đoàn tù trở về nhận từ tấm
lòng người dân biết bao cảm tình nồng mặn. Khi đoàn tàu qua khỏi ga Hàm Tân, có
tiếng người bên vệ đường thông báo: – Các anh về Xuân Lộc. Những người cán bộ
hộ tống không bao giờ tiết lộ nơi chúng tôi sẽ đến, nhưng khoảng 30 phút trước
khi tàu về đến sân ga, công an bảo vệ ra lệnh mọi người thu xếp đồ đạc gọn gàng
để chuẩn bị xuống tàu. Biết được nơi đến, không ai bảo ai, mỗi người đều lấy
giấy bút ghi địa chỉ gia đình để báo tin cho thân nhân. Trước đó có một vài
nhân viên hỏa xa đi lại trong toa. Có người đã mạnh dạn giúi miếng giấy vào
tay, người nhân viên toa tàu cầm lấy, lặng lẽ bước đi. Khi tàu giảm tốc độ
xuống rất chậm, một nữ nhân viên hỏa xa trạc tuổi trên dưới ba mươi đi qua, tôi
đưa cái địa chỉ và nói nhỏ.
– Tôi nhờ cô gửi bưu điện giùm. Cô ta mỉm cười, một nụ cười
rất thiện cảm, cầm miếng giấy địa chỉ bỏ vào túi.
Khác với một số anh em phó mặc cho may
rủi, riêng tôi, tôi tin lời nhắn của tôi sẽ được chuyển tới nhà. Rất đông anh
em khác, hoặc được gợi ý từ nhân viên quét dọn tàu, hoặc vì hết cách nên cứ bỏ
đại vào hộc đựng tàn thước lá, hộc đựng rác cạnh thành tàu.
Có người ba ngày sau gia đình đã lên thăm. Môt số đông gia
đình đến thăm sau một tuần lễ. Về sau kiểm chứng lại chúng tôi được biết tất cả
những ai có miếng giấy nhắn tin đều được các nhân viên trên chuyến tàu chia
nhau mang tới tận từng nhà. Gia đình thân nhân của tù xin được trả tiền xích
lô, tiền xăng nhưng không một ai chịu nhận.
Nhà tôi khi lên thăm cho biết có một cô mang giấy nhắn tin đến, gia đình
trả tiền xích lô nhưng cô ấy từ chối. Nhà tôi hỏi thăm được biết người nữ nhân
viên này quê Nam Định, vào Nam
năm 1977. Đó là một con người miền Bắc từng được nhồi nhét từ nhỏ ý thức căm thù
Mỹ Ngụy. Nếu như toàn thể mọi người Việt Nam xóa hết được tâm lý hận thù như
những người công nhân bình thường ấy thì may mắn cho dân tộc biết chừng nào.
Cho đến bây giờ chúng tôi không quên những ân tình quý báu giữa thời buổi hận
thù giăng mắc ấy.
-------------------------
(*) Châu
Về Hiệp Phố, tên một quận xưa ở Giao Châu là nơi sản xuất ngọc trai (châu) nổi
tiếng. Tương truyền vào thời hậu Hán có vị quan tham ô tàn bạo, thường bắt dân
lặn xuống biển tìm ngọc châu. Vì thế ngọc châu bỏ đi hết sang quận Giao Chỉ.
Mãi đến sau khi Mạnh Thường về thay chức Thái thú và bãi bỏ đạo luật cũ, ngọc
châu lại trở về Hợp Phố. Ý nói những gì quý giá, không mất đi thì sớm muộn cũng
quay về chủ cũ.
No comments:
Post a Comment